Xúc tiến thương mại với các hoạt động kết nối tiêu thụ, cung cấp thông tin thị trường được ghi nhận là giải pháp tốt cho phát triển thương mại miền núi.
Sơn La hiện nằm trong số những địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng và chất lượng nông sản. Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích cây ăn quả các loại 82.805 ha, sản lượng hàng năm trên 450.000 tấn/năm. Sản phẩm trái cây của đa dạng, phong phú, như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn…
Để đảm bảo đầu ra cho lượng nông sản lớn, các cấp chính quyền tỉnh Sơn La rất chú trọng thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu. Các hoạt động này được thực hiện hàng năm, giúp các nhà cung ứng, sản xuất trên địa bàn tỉnh kết nối với nhà phân phối trong nước, nhà nhập khẩu nước ngoài. Từ đó, tạo đầu ra cho các hộ sản xuất.
Tuy nhiên, số tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa trên cả nước thực hiện công tác xúc tiến thương mại, xúc tiến tiêu thụ nông sản tốt như Sơn La chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Phần lớn bà con, nhất là bà con vẫn chật vật tìm đầu ra cho hàng hoá.
Trong khi đó, theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số cả nước hiện hơn 14 triệu người, quy mô 3,35 triệu hộ. Thu nhập bình quân người lao động ở khu vực này chủ yếu từ nông nghiệp nên rất thấp, chỉ đạt 1,1 triệu đồng/người/tháng. Dù có nhiều sản phẩm có tiềm năng nhưng khó khăn trong phát triển thương mại miền núi khiến các địa phương chưa khai thác được.
Bên cạnh đó, sản phẩm của bà con vẫn mang tính manh mún, chưa có thương hiệu riêng, chất lượng an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, khó khăn về vận chuyển tiêu thụ do chưa có cơ chế phối hợp phân phối cũng là nguyên nhân khiến thương mại nói chung, tiêu thụ hàng hoá cho bà con gặp nhiều khó khăn.
Thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại trúng và đúng giúp tỉnh miền núi Sơn La phát triển thương mại, đảm bảo đầu ra cho nông sản |
Từ kinh nghiệm và kết quả đạt được của Sơn La, Bắc Giang trong phát triển thương mại nói chung, tiêu thụ nông sản nói riêng, nhiều chuyên gia cho rằng, thực hiện các biện pháp xúc tiến thương mại trúng và đúng là giải pháp tốt thúc đẩy thương mại miền núi phát triển.
Theo đó, cần đẩy mạnh hơn nữa kết nối cung cầu hàng hóa dịch vụ nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản miền núi. Các hoạt động kết nối cần được triển khai từ Trung ương tới địa phương, từ Sở Công Thương đến các hiệp hội, ngành hàng. Cần xây dựng thêm cơ sở dữ liệu thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi. Xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên, liên tục có tính điều phối vùng miền.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết theo chiều ngang và dọc. Liên kết theo chiều ngang là liên kết giữa các hộ nông dân lại với nhau để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo vùng sản xuất, cùng định hướng sản xuất, định hướng thị trường. Liên kết dọc là từ người sản xuất đến hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua. Cùng đó, đầu tư trang thiết bị, khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, số lượng sản phẩm để có thể tiếp cận được cả những thị trường khó tính.
Hiện nay, do việc sản xuất được thực hiện tại các buôn, bản làng, vùng sâu vùng xa nên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn, đặc biệt kết nối quảng bá sản phẩm trên các nền tảng xã hội, các sàn thương mại điện tử cũng không dễ dàng. Vì vậy, cần có sự tập huấn từ các bộ, sở ngành địa phương để nâng cao năng lực xúc tiến cho các hộ nông dân, hợp tác xã.
Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực , ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho rằng: Để phát triển thương mại nói chung, nông sản của các địa phương khu vực miền núi nói riêng đến được với đông đảo người tiêu dùng cần tăng cường truyền thông về những nỗ lực nâng cao giá trị nông sản của bà con nông dân, hợp tác xã thông qua việc đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao như VietGAP, nông sản hữu cơ.
Cùng nỗ lực để đạt một số chứng chỉ khác về vệ sinh an toàn thực phẩm. Xây dựng chứng nhận về chỉ dẫn địa lý hoặc nhãn hiệu tập thể cho một số nông sản đặc thù riêng để có thể quảng bá tốt hơn cho nông sản.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm. Có thể ứng dụng công nghệ đưa thông tin hàng hoá, sản phẩm của tỉnh lên mạng xã hội thông qua tiktok, facebook…Thậm chí qua cả những sàn thương mại điện tử lớn trong nước để tuyên truyền quảng bá rộng rãi hơn nữa tại thị trường nội địa .
Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bởi hoạt động trưng bày sản phẩm hàng hoá, du lịch trải nghiệm sẽ giúp người tiêu dùng, đối tác quan sát trực tiếp hàng hoá. “Việc kết hợp song song giữa hình thức xúc tiến thương mại truyền thống với xúc tiến thương mại hiện đại là sự bổ sung hiệu quả và là xu hướng trong thời gian tới”, ông Vũ Bá Phú nói.
Hải Linh – congthuong.vn