Trên đường chạy nước rút về đích với mục tiêu đạt kim ngạch 50 tỷ USD năm nay, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản đón tín hiệu tích cực từ thị trường nhập khẩu.
Gạo, trái cây đón tín hiệu tích cực
Mới đây, gạo Ông Cua ST25 chính thức vào thị trường Anh và đã nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng người châu Á tại xứ sở sương mù. Đây cũng là một minh chứng cho việc khẳng định chất lượng và vị thế gạo Việt Nam trên thương trường thế giới. Trước đó, gạo Việt Nam của Tập đoàn Lộc Trời mang thương hiệu “Cơm Việt Nam” đã đổ bộ vào chuỗi siêu thị Carrefour của Pháp. Còn theo Thương vụ Việt Nam tại , lần đầu tiên gạo ST25 của Việt Nam được đưa vào chế biến món ăn trong thực đơn của Văn phòng Nội các Nhật Bản.
Gạo Việt được bán tại Pháp |
Theo các chuyên gia, thời gian qua, Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như Hoa Kỳ, châu Âu… Việc hạt gạo Việt được nhận diện với thương hiệu Việt Nam là một bước chuyển mới của ngành lúa gạo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, nếu không có những bất thường về thời tiết, dịch bệnh, chúng ta đủ lượng 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo để xuất khẩu và dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2 – 3,3 tỷ USD.
Đối với trái cây, mới đây đã xác định được 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư và được chấp thuận đăng ký xuất khẩu sang thị trường này.
Trong khi đó, đối với ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, mặc dù tăng trưởng của ngành gỗ trong 8 tháng đầu năm chậm hơn so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá sản phẩm tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn nhích lên 6%. Trong đó, một điểm sáng trong ngắn hạn là xuất khẩu viên nén, dăm gỗ chớp được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm các nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 – 200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Khó khăn nội tại
Tuy nhiên, xuất khẩu nông – lâm – vẫn có những thách thức. Theo đó, đối với ngành thủy sản, thì mối lo khó gỡ được “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) ngày càng lớn.
Ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản – cho biết, cuối tháng 10, đoàn công tác của EC sẽ sang kiểm tra tình hình thực tế việc khắc phục “thẻ vàng” IUU của Việt Nam với 4 nội dung gồm: Khung pháp lý; quản lý giám sát đội tàu; kiểm tra truy xuất nguồn gốc; xử phạt vi phạm hành chính của các tỉnh. EC sẽ tới nhiều địa phương và kiểm tra kỹ tại các cảng cá.
Tuy nhiên, khả năng cao đợt này chưa gỡ được “thẻ vàng” và nguy cơ bị phạt lên “thẻ đỏ” vẫn rất lớn. Nguyên nhân là do các cảng cá được đầu tư nhưng hạ tầng chưa đáp ứng các yêu cầu. Trong khi đó, nguồn nhân lực tại cảng yếu, không có cán bộ chuyên ngành phù hợp để kiểm soát. Từ đầu năm đến nay, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn khoảng 62 tàu cá. Nhiều tàu thậm chí không lắp đặt, bật thiết bị giám sát hành trình, hoặc tháo thiết bị lắp từ tàu này sang tàu khác.
Trong lĩnh vực xuất khẩu gỗ và lâm sản, ông Trần Quang Bảo – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp – cho hay, 4 tháng cuối năm, ngành này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn như cạnh tranh thương mại, giá cước vận chuyển, lạm phát… Hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang điều tra phòng vệ thương mại với mặt hàng tủ bếp của Việt Nam. Thời điểm này, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị giảm đơn hàng năm 2022 và chưa nhận được đơn mới cho năm 2023, phải cắt giảm lao động.
Theo các chuyên gia, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị, nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản.
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều khó khăn tác động đến thị trường nông – lâm – thủy sản, ông Phùng Đức Tiến cho hay, ngành nông nghiệp vẫn cố gắng bám đuổi để về đích, đạt mục tiêu xuất khẩu nông – lâm – thủy sản 50 tỷ USD như Chính phủ giao.
Đối với ngành lâm sản, ông Trần Quang Bảo cho hay: “Nếu tháng 9/2022 và những tháng còn lại đạt tốc độ tăng trưởng ổn định như tháng 8 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,3 tỷ USD, thì ngành lâm sản có thể đạt mục tiêu xuất khẩu 16,4 tỷ USD trong năm 2022”.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản ước đạt gần 36,3 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. |
Nguyễn Hạnh – congthuong.vn