Với tình hình đơn hàng gần đây bị sụt giảm và khả năng sẽ tiếp tục giảm sâu trong các tháng còn lại của năm, liệu xuất khẩu dệt may có đạt 44 tỷ USD.
Đơn hàng sụt giảm, 9 tháng vẫn thực hiện gần 80% mục tiêu xuất khẩu dệt may
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (Mã: TCM), cho biết không riêng gì Việt Nam, gần như các nước xuất khẩu dệt may sang thị trường Mỹ và châu Âu (EU) đều đang gặp tình trạng đơn hàng sụt giảm do lượng hàng tồn của khách hàng vẫn ở mức cao, trong khi lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng sản phẩm may mặc giảm sút.
Tuy nhiên, theo ông Tùng, với những doanh nghiệp chỉ tập trung vào hai thị trường này thì sự sụt giảm sẽ rất lớn, còn các doanh nghiệp có kế hoạch phân tán thị trường, cụ thể như với dệt may Thành Công, ngoài hai thị trường chính công ty còn có thêm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc nên sự sụt giảm có phần ít hơn.
“Mặc dù lượng đơn hàng có giảm so với kỳ vọng nhưng không đến mức quá nhiều. Ước tính 9 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 85% kế hoạch lợi nhuận sau thuế”, ông Tùng cho hay.
Không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, đây cũng là kết quả chung của toàn ngành dệt may khi số liệu của Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho thấy 9 tháng đầu năm xuất khẩu của ngành hàng ước đạt 35,3 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, so với mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD, ngành hàng đã thực hiện được 79,5% kế hoạch xuất khẩu của năm sau ba quý đầu năm.
(Nguồn: SSI Research) |
Bên cạnh đó, mặc dù hầu hết các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD, nhưng nhiều chi phí của họ cũng được tính bằng USD chẳng hạn như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay.
Do đó, khi triển vọng bán hàng trở nên ảm đạm, trong khi tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các tháng cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP. Hồ Chí Minh cho hay doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, do đó khi giá USD tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh thêm khoản chênh lệch tỷ giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.
“Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may bị ảnh hưởng khi tỷ giá đồng USD biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, đơn hàng sụt giảm khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ”, ông Hồng chia sẻ.
Khó khăn này được Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng, chỉ được giải quyết khi Trung Quốc từng bước mở cửa nền kinh tế do hầu hết nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đều phải nhập khẩu từ nước này.
“Điều này sẽ giúp giảm dần chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và giúp tỷ suất lợi nhuận cải thiện trong các tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa thể phục hồi về mức bình thường vào năm 2023 do độ trễ trong việc phục hồi nguồn cung và giá nguyên liệu” VDSC nhận định.
Ngọc Thùy – congthuong.vn