TỔNG HỢP 5 SỰ KIỆN NỔI BẬT TRONG XUẤT NHẬP KHẨU NĂM 2022
1. Xuất nhập khẩu năm 2022 lập kỷ lục mới với hơn 732 tỷ USD, duy trì xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đưa Việt Nam vào nhóm các nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế
Đứng trước những rủi ro rất lớn từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine, biến động giá xăng dầu, lạm phát tại các nền kinh tế lớn… khiến cho số đơn hàng, giá xuất khẩu tăng giảm liên tục. Nhưng vượt lên tất cả, xuất nhập khẩu năm 2022 gặt hái được nhiều con số kỷ lục.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt kỷ lục hơn 701 tỷ USD (tính đến ngày 15/12/2022). Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 355,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt hơn 345,46 tỷ USD.
Dự kiến cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tăng khoảng 10,5%, đạt khoảng 371,5 tỷ USD, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội và Chính phủ giao (kế hoạch tăng 8%). Với con số hơn 700 tỷ USD, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore.
Cán cân thương mại thặng dư hơn hơn 10,35 tỷ USD (tính đến kỳ 1 tháng 12/2022). Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia và góp phần quan trọng vào quá trình phục hồi nền kinh tế đại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2022, thể hiện sự quyết tâm của Bộ Công Thương, các cấp, các ngành và toàn thể doanh nghiệp. Đồng thời, phải nói đến các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, CPTPP,… để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và từng bước khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ xuất nhập khẩu thế giới.
2. Xúc tiến thương mại: Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và duy trì xuất khẩu bền vững
Năm 2022 là một năm chứng kiến sự tích cực tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương. Bộ đã phát huy sáng kiến tổ chức công tác giao ban xúc tiến thương mại của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước thực hiện hàng tháng nhằm cung cấp thông tin về thị trường, những chính sách, quy định mới về thị trường và các khuyến nghị kịp thời cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, Bộ cũng đã tổ chức hàng trăm phiên tư vấn, kết nối thông tin thị trường cho các hiệp hội, doanh nghiệp và địa phương mà ở đó, các Thương vụ đóng vai trò vừa là cầu nối vừa là nhà tư vấn thị trường xuất khẩu.
3. Tăng cường công tác phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu
Ngày 27/12/2022, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm công tác phòng vệ thương mại của Việt Nam. Tại Hội nghị, ông Lê Triệu Dũng – Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương biết, giai đoạn 2002 – 2022 chứng kiến sự đa dạng trong quan hệ thương mại song phương, quan hệ thương mại đa phương trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, do năng lực sản xuất hàng hóa của Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt về chất lượng nên hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị áp dụng ngày càng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng hóa nội địa.
Tính đến hết tháng 11/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị 22 quốc gia/vùng lãnh thổ điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tổng cộng 225 vụ. Không chỉ những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như cá tra, cá basa, tôm,…mà các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như mật ong, gạch men… cũng bị điều tra phòng vệ thương mại.
Trong đó, Mỹ là quốc gia áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam với 43 vụ. Tiếp đó là các nước ASEAN với 42 vụ, Ấn Độ (29 vụ)… Với thị trường EU, số vụ việc bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại giảm 14 vụ so với trước.
Các sản phẩm của Việt Nam bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá nhiều nhất là cá tra, tôm, mật ong. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Việt Nam đang dành được vị trí thay thế của Nga từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine trong việc cung cấp các loại thịt trắng, đặc biệt là thịt cá cho thị trường Mỹ và EU. Và trong bối cảnh lạm phát bao trùm nên các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới khiến cho Mỹ và các nước khác tăng cường phòng vệ thương mại
Cùng với hoạt động ứng phó các vụ việc phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã xử lý 5 vụ việc giải quyết tranh chấp tại WTO. Trong đó, 3 vụ việc đã kết thúc và mang lại kết quả tích cực cho Việt Nam bao gồm Việt Nam khởi kiện biện pháp chống bán phá giá tôm của Hoa Kỳ; Việt Nam khởi kiện biện pháp tự vệ với sản phẩm tôn lạnh của Indonesia.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực và thế giới có những biến động khó lường thì các nước nhập khẩu sẽ có thể tiếp tục gia tăng phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ hàng hóa nội địa, cho nên doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt và thực hiện đầy đủ quy định các nước, chuẩn bị tinh thần cho các vụ kiện phòng chống thương mại.
4. Xuất khẩu nông sản năm 2022 biến đổi từ lượng sang chất
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tính đến hết tháng 11/2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản chạm mốc 49 tỷ USD, vượt con số kỷ lục của cả năm 2021 (48,6 tỷ USD). Trong đó, ngành thủy sản góp phần không nhỏ vào con số ấn tượng này. Lần đầu tiên, sau 20 năm, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD (tính đến hết tháng 10/2022).
Bên cạnh đó, nhóm hàng rau củ quả trong năm 2022 đón nhận những đơn hàng xuất khẩu chính ngạch đầu tiên vào các thị trường lớn. Đơn cử như, lần đầu tiên lô vải thiều tươi 64,7 tấn được xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Móng Cái trong mùa dịch Covid-19. Sau gần 2 tháng Bộ Nông Nghiệp Mỹ chính thức cho phép nhập khẩu bưởi da xanh Bến Tre. Lô hàng gần 40 tấn bưởi đã liên tục cháy hàng sau khi lên kệ siêu thị tại Mỹ với giá bán cao gấp 16-20 lần so với thị trường nội địa…
Về mặt hàng xuất khẩu, có 8 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD và giá trị xuất khẩu cao hơn kỳ trước như: cà phê, cao su, gạo, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam với 12,3 tỷ USD, chiếm khoảng 25% thị phần, tiếp sau là Trung Quốc chiếm 18,9% thị phần.
5. Khai thác hiệu quả FTA, thúc đẩy mục tiêu xuất khẩu năm 2023
Năm 2022 là một năm khởi sắc ấn tượng của toàn bộ, ban, ngành và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Mặc dù khó khăn bao trùm hầu hết các nền kinh tế hàng đầu thế giới, cung cầu biến đổi liên tục và rủi ro có thể ập đến bất cứ khi nào nhưng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vẫn kiếm về các đơn hàng lớn, giá trị hàng hóa tăng cao khiến cho xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam tăng cả về số và chất lượng.
Trong số 15 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết thì phải nói đến hiệp định thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam – CPTPP đã mang đến những thuận lợi nhất định cho xuất khẩu Việt Nam. Sáng 26/12/2022, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề: “Tận dụng ưu thế của người đi đầu”.
Sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả cơ hội tại thị trường CPTPP và đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020. Trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – 27 nước EU (EVFTA) đang mang đến những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu Việt Nam. Ngày 04/8/2022, đã diễn ra hội thảo khoa học “Hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Tác động kinh tế – xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”.
Cụ thể, thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2021 đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020. 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu đầu tư cũng cho thấy sau ký kết xu hướng đầu tư từ một số quốc gia EU tăng nhanh, như Hà Lan (tăng gần 26%), Đan Mạch (240%), Thụy Điển (63%), Cộng hòa Ai-len (235%) và Bỉ (284%).
Ngoài ra, hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam.
Với 15 hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký và 2 hiệp định sắp ký kết thì cánh cửa xuất khẩu hàng hóa sẽ còn rất rộng mở cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bối cảnh trong nước, khu vực và thế giới vẫn có nhiều biến động, có thể là thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Điều quan trọng hơn hết là doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ làm như thế nào để có thể tận dụng tối đa các hiệp định đó để mang lại lợi thế cạnh tranh cho mình.
#sukien #xuatnhapkhau2022
EASY EXPORT – CỘNG ĐỒNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU VIỆT NAM Website: https://vietnamexportpromotion.com/
Website: https://easyexport.vn/
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/easyexport.public
Group Telegram: https://t.me/easyexportvn
Group Zalo: https://zalo.me/g/ogorjq056
Hotline: 0813.171.288
Email: [email protected]
Địa chỉ: TT3B-19 KĐTM Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
|