Chi tiết xem tại: https://easyexport.vn/
Xuất khẩu TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu xuất khẩu cả nước
Theo số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố các địa phương xuất khẩu lớn 7 tháng qua, dẫn đầu vẫn là TP. Hồ Chí Minh với kim ngạch gần 26 tỷ USD, theo sau là Bắc Ninh 22,5 tỷ USD, Bình Dương 19,28 tỷ USD, Thái Nguyên 17,7 tỷ USD, Hải Phòng 16,8 tỷ USD, Bắc Giang 16 tỷ USD, Đồng Nai 13,4 tỷ USD, Hà Nội 10,6 tỷ USD.
Như vậy, 8 địa phương có quy mô xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 7 tháng qua đã đóng góp kim ngạch 142,28 tỷ USD.
Các địa phương xuất khẩu lớn Top 2, gồm: Phú Thọ gần 8,1 tỷ USD, Vĩnh Phúc 7,45 tỷ USD, Hải Dương 5,77 tỷ USD, Hà Nam 5,42 tỷ USD, Hưng Yên 5,1 tỷ USD, Tây Ninh 4,7 tỷ USD, Long An 4,35 tỷ USD, Bà Rịa – Vũng Tàu 4,1 tỷ USD, Bình Phước 3 tỷ USD…
Top các địa phương xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm: Đà Nẵng 1,1 tỷ USD, Đồng Tháp 1,42 tỷ USD, Hà Tĩnh 1,3 tỷ USD, Đắc Lắc 1,14 tỷ USD, Khánh Hoà 1,32 tỷ USD, Quảng Nam 1,14 tỷ USD, Ninh Bình 1,65 tỷ USD, Quảng Ngãi 1,8 tỷ USD, Nam Định 1,57 tỷ USD…
Ở chiều ngược lại, các địa phương đứng cuối về xuất khẩu gồm: Lai Châu 6,1 triệu USD; Sơn La 19 triệu USD; Bắc Kạn 21,3 triệu USD; Bạc Liêu 54 triệu USD; Bình Thuận 66 triệu USD; Ninh Thuận 59 triệu USD; Quảng Bình 112,6 triệu USD; Tuyên Quang 145 triệu USD; Yên Bái 164 triệu USD…
7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2% (tương ứng tăng 64,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 31,34 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 212,96 tỷ USD, tăng 18,5% (tương ứng tăng 33,32 tỷ USD). Cán cân thương mại trong tháng 7 xuất siêu 2,35 tỷ USD, lũy kế 7 tháng xuất siêu 14,53 tỷ USD.
Theo chu kỳ, nhu cầu tăng ở cả trong nước và thị trường thế giới trong những tháng cuối năm, tạo cơ hội cho các ngành xuất khẩu lớn đón thêm nhiều đơn đặt hàng mới, cộng với lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia ký kết cũng sẽ mang lại những kết quả tích cực.
Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, đến thời điểm hiện tại, giá gạo Việt Nam đang tăng so với giá gạo của các nước Thái Lan và Pakistan. Kết thúc tuần vừa qua, gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang được giao dịch ở mức 575 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 14 USD/tấn, và cao hơn gạo Pakistan 34 USD/tấn.
Tương tự, gạo 25% tấm của Việt Nam cũng tăng lên 539 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan, Pakistan lần lượt là 27 USD/tấn và 22 USD/tấn. So với các quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, gạo Việt xuất khẩu đang có mức giá cao nhất. Đây cũng là sự trở lại ấn tượng của gạo Việt bởi cách đây một tháng, giá gạo xuất khẩu của nước ta đều thấp hơn gạo Thái Lan, Pakistan, và Myanmar.
Đặc biệt, sau vụ trúng thầu xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn gạo sang Indonesia nhờ doanh nghiệp trả giá thấp vào tháng 6, giá gạo Việt liên tục giảm mạnh, về mức thấp nhất thế giới.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 7 vừa qua, nước ta xuất khẩu hơn 751.000 tấn gạo, thu về gần 452 triệu USD. So với tháng trước đó, xuất khẩu gạo tăng mạnh 46,3% về lượng và tăng tới 39,7% về giá trị.
Tính chung 7 tháng năm 2024, nước ta đã xuất khẩu gần 5,3 triệu tấn gạo, giá trị ước đạt 3,34 tỷ USD. Lượng gạo xuất khẩu chỉ tăng 8,3% nhưng giá trị tăng mạnh 27,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, giá xuất khẩu gạo bình quân của nước ta trong 7 tháng đầu năm đã đạt 632 USD/tấn, tăng tới 18,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Thời gian tới, nhu cầu nhập khẩu gạo gia tăng ở hầu hết các các nước nên nhiều chuyên gia và doanh nghiệp dự báo thị trường sẽ sôi động trong những tháng cuối năm.
Cụ thể, Indonesia mới đây cho biết có thể nhập khẩu đến 4,5 triệu tấn gạo thay vì 3,6 triệu tấn như thông báo từ đầu năm 2024.
Ngoài Indonesia, mới đây, thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới là Philippines cũng dự báo tăng lượng gạo nhập khẩu từ 4,2 triệu tấn lên tới 4,5 – 4,7 triệu tấn trong năm 2024. Philippines là khách hàng truyền thống của gạo Việt Nam.
Cơ hội tăng trưởng xuất khẩu gạo cho Việt Nam càng lớn khi tháng 8 này, chính sách giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% hiện hành xuống còn 15% của Philippines có hiệu lực. Nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay, các khách hàng từ Philippines và Trung Quốc qua Việt Nam đàm phán rất nhiều để mua những hợp đồng lớn…
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm đa dạng hóa các loại hình gạo xuất khẩu và mở rộng các thị trường tiêu thụ mới. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu từ các khách hàng truyền thống của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Ghana, Malaysia, Singapore… ở mức cao và tăng lên. Ngoài ra, các DN xuất khẩu gạo cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, dự kiến năm 2024 Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 7,4-8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo sẽ vượt con số 5 tỷ USD.
Thời gian tới, Bộ Công Thương xác định phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch để thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 2/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu lúa gạo bền vững, minh bạch, hiệu quả; thực hiện Chỉ thị số 03/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.
Là nền kinh tế phát triển năng động, dân số lớn, cửa ngõ tiếp cận hơn 500 triệu người dùng, Mexico đang dần trở thành khu vực thị trường hấp dẫn đối với cả thế giới, trong đó có Việt Nam. Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, được coi là đầu mối để mở rộng đến các vùng kinh tế năng động như G20 (nhóm các nền kinh tế lớn) hay Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance).
Cá tra nằm trong nhóm hàng thủy sản được hưởng ưu đãi của Hiệp định CPTPP. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7/2024, xuất khẩu cá tra sang Mexico đạt hơn 4 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến 15/7/2024, lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 39 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến giữa tháng 7/2024, Mexico tiếp tục duy trì là thị trường đứng đầu trong khối CPTPP, và là thị trường đơn lẻ thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mỹ về tiêu thụ nhiều nhất cá tra từ Việt Nam.
Sau khi liên tục giảm nhập khẩu trong tháng 2,3,4/2024, xuất khẩu cá tra tăng trưởng dương trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2024. Trong đó, tháng 6/2024 là tháng thị trường này tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam với giá trị nhập khẩu hơn 8 triệu USD, tăng 50% so với tháng 6/2023.
Việt Nam xuất sang Mexico chủ yếu là sản phẩm cá tra phile đông lạnh và cá tra cắt khúc đông lạnh. Qúy II năm 2024, xuất khẩu cá tra phile cắt khúc đông lạnh mã HS 0304 sang thị trường này đạt hơn 18 triệu USD, tăng 19%, và trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 31 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quý II năm 2024, Mexico hầu như không nhập khẩu các sản phẩm cá tra chế biến giá trị gia tăng (thuộc mã HS16) từ Việt Nam. Nửa đầu năm nay, thị trường này tiêu thụ gần 300 nghìn USD cá tra giá trị gia tăng, tăng 262% so với cùng kỳ, chiếm 1% tỷ trọng, và chủ yếu là do lượng nhập khẩu từ quý đầu năm.
Mặc dù vẫn tăng trưởng, nhưng giá trung bình xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mexico trong nửa đầu năm nay vẫn ở dưới mức 2,5 USD/kg. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải mức giá thấp nhất trong 3 năm qua.
Bất chấp khoảng cách địa lý, cá tra Việt Nam vẫn được người tiêu dùng tại Mexico ưa chuộng. Cá tra của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về độ chắc thịt và mùi vị so với các loài cá thịt trắng khác như cá tuyết (cod), cá lưỡi trâu, cá tuyết (haddock) và cá minh thái. Ngoài ra, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với các loại cá thịt trắng khác, cá tra Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một sản phẩm thay thế có tính cạnh tranh cao không chỉ với khẩu vị người châu Á mà còn ở rất nhiều quốc gia trên thế giới.
6 tháng đầu năm 2024, I.D.I Corp là doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá tra sang Mexico và chiếm 46% tỷ trọng. Nửa cuối năm nay,xuất khẩu cá tra dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng khi người dân tại quốc gia Mỹ Latinh này đang chuẩn bị các lễ hội và kỳ nghỉ.