Chi tiết xem tại: https://easyexport.vn/
Các thông tin về hoạt động xuất khẩu và xúc tiến thương mại của Việt Nam được tổng hợp từ các nguồn tin uy tín bởi EasyExport.vn từ ngày 04/11/2024 đến 08/11/2024
- Giá cao su tăng cao, dự báo, kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2024 đạt từ 3 – 3,5 tỷ USD, tăng 200 – 400 triệu USD so với năm 2023
Trong quý III/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 67,48% về lượng và 66,39% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 397,91 nghìn tấn, trị giá 656,23 triệu USD, tăng 97,6% về lượng và tăng 111,8% về trị giá so với quý II/2024, nhưng giảm 22,5% về lượng và giảm 0,7% về trị giá so với quý III/2023.
Đứng thứ hai là xuất khẩu tới thị trường Ấn Độ, chiếm 8,36% về lượng và 8,93% về trị giá trong tổng xuất khẩu cao su của cả nước, đạt 49,27 nghìn tấn, trị giá 88,29 triệu USD, tăng 69,8% về lượng và tăng 80,5% về trị giá so với quý I/2024, tăng 37,3% về lượng và tăng 82,3% về trị giá so với quý III/2023.
Thời gian tới, nhu cầu cao su có thể tiếp tục tăng khi thị trường Trung Quốc đưa ra các gói kích thích nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Điều này đưa đến tâm lý kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi và tăng trưởng tốt hơn, kéo theo nhu cầu về cao su cho các hoạt động sản xuất. Trung Quốc hiện là đối tác xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, nên bất kỳ sự biến động nào của thị trường này cũng tác động lớn tới ngành cao su của Việt Nam.
2. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 10 tháng năm 2024 đạt 1,1 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt 881,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,6 triệu USD.
Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong tháng 10 chiếm 27,7% đạt 5.128 tấn, giảm 8,5% so với tháng 9. Tiếp theo là các thị trường: Hồng Kông: 1.784 tấn, UAE: 1.382 tấn, Hà Lan: 1.000 tấn và Đức: 960 tấn.
Tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại với tổng kim ngạch đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng nhưng tăng đến 48% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn (tiêu đen giảm 3,3%, tiêu trắng tăng 10,8%), tương ứng kim ngạch 881,6 triệu USD và 162,6 triệu USD.
Indonesia tiếp tục là nhà cung cấp chính cho hồ tiêu Việt Nam trong tháng đạt 3.970 tấn, chiếm 82,4%; tiếp theo là Brazil: 501 tấn, chiếm 10,4%. Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Olam: 1.012 tấn, Harris Spices: 863 tấn, Phúc Sinh: 650 tấn, Phúc Thịnh: 630 tấn và Trân Châu: 611 tấn.
3. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 10 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đạt 168,5 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sang Trung Quốc đạt 117,7 tỷ USD, tăng 31,6% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam đạt 50,8 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Nhập siêu từ Trung Quốc 66,9 tỷ USD, tăng 68,5%. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của hàng hoá Việt Nam.
Về mặt hàng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng như điện thoại di động, linh kiện, thiết bị điện tử, cao su, nông sản, thủy hải sản… và nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc các sản phẩm như máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất trong ngành may mặc, giày da, sắt thép, vật tư xây dựng…, cho đến các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày.
Ở chiều xuất khẩu, nông sản là mặt hàng chủ lực mà Việt Nam xuất sang phía bạn. Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng chính là mặt hàng “hot” của Việt Nam mà thị trường Trung Quốc rất ưa chuộng. Ngoài ra, Trung Quốc còn ưa chuộng nhãn, vải, xoài, dừa tươi… từ Việt Nam. Mới đây, Trung Quốc đã mở cửa cho trái dừa Việt Nam. Đối với mặt hàng dừa tươi, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của thị trường Trung Quốc là rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, nếu xuất khẩu chính ngạch được mặt hàng này vào thị trường Trung Quốc sẽ giúp xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan. Theo tính toán của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, khi Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi được ký, nếu chuẩn bị tốt, ngành dừa có thể thu thêm khoảng 300 – 400 triệu USD/năm từ thị trường này.
4. 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã chi gần 1,2 tỷ USD để nhập khẩu gạo, tăng gần 73% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 10 vừa qua, Việt Nam xuất khẩu 0,8 triệu tấn gạo, thu về 505 triệu USD, tăng 29% về lượng và tăng 27,2% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 10 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, giá trị đạt gần 4,86 tỷ USD – mức cao kỷ lục lịch sử. Lượng gạo xuất khẩu tăng 10,2% và giá trị tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024 Việt Nam phải tăng nhập khẩu gạo từ 2,6 triệu tấn lên 2,9 triệu tấn. Việt Nam trở thành nước nhập khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới sau Philippines, dự báo 4,7 triệu tấn và Indonesia 3,8 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, Việt Nam còn nhiều tiềm năng tăng sản lượng và giá trị gạo xuất khẩu do nhu cầu gạo trên toàn cầu tăng cao, đồng nghĩa với Việt Nam sẽ tăng nhập khẩu gạo trong tương lai.