Thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu rau củ quả Việt Nam vào thị trường EU
Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, rau quả là mặt hàng duy trì tốc độ tăng trưởng xuyên suốt trong hơn hai năm qua (2021-2022). Theo số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU trong 11 tháng năm 2022 đã tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 205,4 triệu USD. Mặc dù vậy thị phần rau quả của Việt Nam tại thị trường EU vẫn còn thấp và còn nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.
Bài viết này sẽ phân tích tiềm năng xuất khẩu mặt hàng rau củ quả vào thị trường EU cũng như những cơ hội, thách thức mà các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu rau củ quả cần đối mặt để phát triển trên thị trường này.
HIỆN TRẠNG NGÀNH RAU QUẢ VIỆT NAM
1. Tình hình sản xuất rau quả của Việt Nam hiện nay
Việt Nam có vị trí địa lý trải dài qua nhiều vĩ độ, khí hậu nhiệt đới gió mùa, một số vùng tiểu khí hậu đặc biệt như Sapa, Tam Đảo, Đà Lạt,… thổ nhưỡng đa dạng. Chính vì vậy, Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất và xuất khẩu các loại rau quả nhiệt đới, cận nhiệt đới và cả ôn đới.
Hiện tại, Việt Nam có có khoảng 120 loại rau và hàng trăm loại quả khác nhau. Cùng với tiến bộ khoa học công nghệ, các loại rau quả trái mùa cũng có thể trồng và thu hoạch được, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Với việc tăng diện tích trồng, những năm gần đây các địa phương trong cả nước sản xuất được một lượng rau quả rất lớn, với sản lượng đạt tới 30-31 triệu tấn/năm, cao hơn rất nhiều so với nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trong đó, sản lượng trái cây có thể đạt trên 11,6 triệu tấn/năm và rau củ quả các loại đạt gần 19,3 triệu tấn/năm.
Rau: Năm 2022, diện tích gieo trồng rau cả nước ước tính tăng 483 ha so với năm 2021. Trong đó: Vụ Đông Xuân diện tích gieo trồng rau các loại đạt 11.098 ha, bằng 103,19% (tăng 344 ha); vụ Hè Thu sơ bộ đạt 2.866 ha, bằng 105,78% (tăng 157 ha) và vụ Mùa ước đạt 194 ha, bằng 91,94% (giảm 18 ha). Năng suất rau cả năm ước tính tăng 0,67 tạ/ha với sản lượng rau cả năm ước tăng 4.321 tấn so với năm trước.
Quả: Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết trong năm 2022, diện tích cây ăn quả đã đạt 1,21 triệu ha, tăng 41.300 ha; sản lượng khoảng 18,68 triệu tấn. Sản lượng và chất lượng hầu hết các cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: Xoài 1,022 triệu tấn, tăng 2,25%; thanh long trên 1,197 triệu tấn, giảm 13,7%; bưởi 1,1 triệu tấn, tăng 6,73%; vải 376.000 tấn, tăng 1,2%; sầu riêng 836.300 tấn, tăng 24,1%; dứa trên 738.000 tấn, tăng 1,65%; chuối 2,48 triệu tấn, tăng 5,5%.
Sản phẩm chế biến:
Việt Nam hiện có 7.500 cơ sở chế biến bảo quản trái cây, rau củ và 157 cơ sở chế biến rau quả có quy mô công nghiệp. Trong đó, miền Bắc có 50,3% tổng số cơ sở, Ðông Nam Bộ 22,3%, ÐBSCL 15,3%, còn lại hơn 12% là ở miền Trung và Tây Nguyên. Các cơ sở trên có tổng công suất thiết kế đạt 1,1 triệu tấn sản phẩm/năm.
Tuy nhiên, hiện công suất hoạt động của nhiều nhà máy chỉ đạt 50-60% do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc nguồn nguyên liệu không ổn định. Cả nước hiện cũng có hàng ngàn cơ sở sơ chế, chế biến quy mô nhỏ, siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ gia đình. Các cơ sở dạng này có khắp mọi vùng miền với nhiều loại rau quả khác nhau và hình thức khác nhau. Song, do ít vốn và thiết bị máy, công nghệ còn lạc hậu, quy mô và mức độ chế biến còn hạn chế nên chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Ngành chế biến Việt Nam chỉ mới đáp ứng khoảng 8 – 10% sản lượng rau quả/năm. Đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; việc tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế bảo quản là chủ yếu, tổn thấy sau thu hoạch còn quá cao, khoảng 20%. Trong khi, theo thống kế của Ngân hàng Thế giới, 37% tổng giá trị rau quả được mua bán trên toàn thế giới là rau quả chế biến. Do vậy, rau quả Việt muốn tiến đến các thị trường xa cần đầu tư vào công nghệ chế biến.
Có 4 nhóm sản phẩm chế biến phù hợp với quy mô nhỏ và vừa là: trái cây sấy khô, trái cây đông lạnh, trái cây đóng hộp, nước trái cây. Các công nghệ phù hợp trong chế biến rau quả mà các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ nên đầu tư như: sấy nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông, muối chua…
2. Tình hình xuất khẩu rau quả Việt Nam sang EU
Xuất khẩu rau quả là 1 trong 8 ngành hàng xuất khẩu hàng tỷ USD của nông nghiệp Việt Nam.
Trong nhiều năm liền, kết quả xuất khẩu trái cây luôn vượt con số 3,6 tỷ USD, tạo nên một thế cạnh tranh mới trên thị trường xuất nhập khẩu rau quả thế giới. Tuy nhiên, trong năm 2022, tình hình dịch COVID-19 tác động trực diện vào ngành hàng này, khiến cho kết quả xuất khẩu chững lại và có dấu hiệu sụt giảm so với năm trước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2022 ước đạt 3,3 tỷ USD, giảm 5,68% so với năm 2021. Trong khi đó, nhập khẩu trái cây vào thị trường Việt Nam lại có dấu hiệu tăng lên hơn 2 tỷ USD, làm cho cán cân giao dịch trái cây, rau quả của thị trường nội địa chênh lệch rõ.
Hiện EU là thị trường xuất khẩu rau quả lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, rau quả Việt Nam xuất khẩu vào EU cơ bản vẫn là sản phẩm tươi thô, sơ chế; sản phẩm đã qua chế biến sâu rất ít nên giá trị gia tăng chưa cao.
Mỗi năm thị trường này nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang thị trường EU chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với thị phần mà thị trường này đang nhập khẩu. Trong cơ cấu rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chỉ chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn).
Theo phân tích một số cảnh báo của thị trường EU đối với sản phẩm rau, quả tươi và đã chế biến, từ tháng 1-6/2022, trên toàn thế giới có 2.251 cảnh báo đối với mặt hàng nông sản thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU, trong đó chỉ có 40 (chiếm 1,77%) cảnh báo đối với hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam, riêng mặt hàng rau, quả có 9 cảnh báo, chiếm 22,5% tổng số cảnh báo đối với Việt Nam. Kết quả tổng hợp cho thấy các cảnh báo tập trung vào vi phạm dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá quy định của EU, chỉ có 1 cảnh báo vi phạm cảm quan, 1 cảnh báo vi phạm aflatoxin… trong quá trình sơ chế, chế biến.
ĐẶC ĐIỂM THỊ TRƯỜNG RAU QUẢ CỦA EU
1. Nhu cầu nhập khẩu và các nguồn cung ứng chính
EU với 27 nước thành viên, dân số hơn 500 triệu người và có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn đối với hàng rau quả, chiếm tỷ trọng tới 45-50% lượng rau quả nhập khẩu của thế giới. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ Việt Nam (rau quả tươi) chỉ chiếm gần 0,1% tổng lượng hàng rau quả nhập khẩu của EU trong 4 tháng đầu năm 2022, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam đẩy mạnh sang thị trường EU trong thời gian tới, theo Cục Xuất nhập khẩu.
EU nhập khẩu hàng rau quả chủ yếu từ các thị trường nội khối trong 4 tháng đầu năm 2022. Trong đó, Hà Lan và Tây Ban Nha những thị trường cung cấp hàng rau quả lớn nhất trong khối EU; tiếp theo là Đức, Pháp, Bỉ, Italia và Ba Lan. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu từ các thị trường chính đang có xu hướng giảm và EU đang có xu hướng tăng nhập khẩu hàng rau quả từ các thị trường ngoài khối như Thổ Nhĩ Kỳ, Ma-rốc…
Đối với khu vực châu Á, ngoài Trung Quốc thì Việt Nam là nguồn cung hàng rau quả lớn thứ 2 trong khu vực cho EU. Trong 9 tháng đầu năm 2022, EU nhập khẩu hàng rau quả (các HS 07, 20, 08 – trừ hạt điều có mã HS 080131, 080132) từ thế giới đạt 77,62 tỷ EUR, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, EU nhập khẩu rau quả từ Việt Nam đạt 152 triệu EUR, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần rau quả của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường ngoại khối EU tăng từ 0,53% trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 0,63% trong 9 tháng đầu năm 2022.
EU nhập khẩu nhiều nhất là chủng loại rau và một số loại củ, thân củ, rễ ăn được (HS 07); quả và quả hạch ăn được, vỏ quả thuộc họ cam quýt hoặc các loại dưa (HS 08) trong 4 tháng đầu năm 2022. Cả 2 chủng loại này EU nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng lượng nhập khẩu, trong đó mã HS 07 chiếm 0,02% và mã HS 08 chiếm 0,11%. Trong khi đó, mã HS 08 có nhiều chủng loại quả mà Việt Nam đang có thế mạnh vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa…
2. Thị hiếu, xu hướng tiêu thụ
Người dân tại các nước EU có sở thích và thói quen tiêu dùng tương đối khác nhau. Lượng rau, quả tiêu thụ có xu hướng ngày một tăng tại EU do thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khoẻ. Người tiêu dùng châu Âu đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.
Thị trường EU nhập khẩu rất nhiều các loại rau quả nhiệt đới như chuối, cam, quýt, xoài, dứa; trong đó, trái chuối và xoài được ưa chuộng tại EU. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ rau quả hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc ràng cũng ngày một gia tăng.
Hà Lan được coi là “cửa ngõ” để vào thị trường EU đối với các mặt hàng rau quả. Vì vậy, để xuất khẩu vào EU cần có kế hoạch nghiên cứu và tiếp cận các nhà nhập khẩu, các kênh phân phối và hệ thống bán lẻ tại đây để có thể xây dựng một chiến lược xuất khẩu các mặt hàng rau quả vào Hà Lan và qua đó vào EU.
Ngoài ra, EU là thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Nông sản nhập khẩu phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.
CƠ HỘI ĐỐI VỚI NGÀNH RAU QUẢ TRONG BỐI CẢNH EVFTA
1. Thuế quan
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, ngành rau, quả, gia vị nằm trong top đầu ngành được hưởng ưu đãi thuế quan.
Có khoảng 94% trong tổng số 547 dòng thuế nhóm hàng rau, quả tươi và chế biến được EU cắt giảm về 0%, trong đó có nhiều mặt hàng rau, quả có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa,…
Phần lớn dòng thuế EU cam kết xoá bỏ ngay hiện đều đang có mức thuế MFN trung bình trên 10%, cá biệt có những sản phẩm rau quả đang chịu thuế 20%. 24 dòng thuế (chiếm 4,4%) chịu áp thuế “giá nhập cảnh” (entry price) gồm nhóm dưa chuột tươi và ướp lạnh, chanh,… 08 dòng thuế áp hạn ngạch, chủ yếu ở một số sản phẩm trong nhóm nấm chi agaricus, ngô ngọt,…
Như vậy, mức cam kết này của EU sẽ tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam, đặc biệt trong cạnh tranh nhập khẩu vào EU với các nước trong khu vực chưa có FTA với EU như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia.
Ngoài ra, EU đã cam kết công nhận 39 chỉ dẫn địa lý (GIs) của Việt Nam (trong đó có 17 GIs là sản phẩm trái cây) và cho phép các GI này được bảo hộ tự động tại EU khi EVFTA đi vào thực thi.
2. Đầu tư
Đầu tư chế biến sâu sẽ giúp tận dụng được các sản phẩm rau quả của Việt Nam làm nguyên liệu cho chế biến. Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút mạnh các nhà đầu tư đến từ châu Âu và các nước vốn có kinh nghiệm về chế biến sâu, giúp chuyển giao công nghệ, cách thức tổ chức sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm giúp nông sản Việt Nam tiến dần tới các tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và các nhà đầu tư từ EU, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm đầu tư cho công nghệ chế biến sâu các sản phẩm rau quả nhiệt đới của các nước cạnh tranh như Thái Lan, Philippines, Malaysia để phát triển phân khúc khách hàng chế biến giá trị gia tăng cao, chất lượng đảm bảo, đa dạng mẫu mã, tăng tính tiện lợi như dừa gọt vỏ, có sẵn ống hút, nước ép rau củ quả, bột trái cây,…
Đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ cũng là một hướng đi triển vọng do ngày càng nhiều người tiêu dùng châu Âu có xu hướng chuộng sử dụng hàng hoá có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường.
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NGÀNH RAU QUẢ VIỆT NAM
Năm 2023, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều tác động ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Đó là lạm phát tiếp tục tăng cao ở Mỹ, Châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Theo dự báo của Quỹ tiền tệ thế giới IMF, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 có nguy cơ chậm lại dưới mức 2% do ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và kinh tế giảm tốc tại các nền kinh tế lớn.
Trong khi đó, giá xăng dầu tiếp tục được dự báo diễn biến phức tạp do những biến động của các yếu tố chính trị và kinh tế. Thêm vào đó, sự tăng giá đồng đô la Mỹ tiếp tục làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Các yếu tố này dẫn đến chi phí logistic tăng, tác động đến giá cả hàng hóa thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu và gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu xuất hiện nhiều các rào cản thương mại mới như: EU điều chỉnh các biện pháp kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu vào ngày 26/1/2023; các khu vực thị trường thuộc hiệp định CPTPP, UKVFTA đưa ra những sự điều chỉnh quan trọng trong quy định về hàng hóa nhập khẩu…
Đối với thị trường này, nông sản của Việt Nam để tiếp cận vẫn còn nhiều khó khăn khi EU là thị trường khó tính với nhiều quy định ngày càng thắt chặt. Nông sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chủ yếu tham gia vào các phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp (hàng thô, sản phẩm chế biến làm nguyên liệu đầu vào); chi phí logistics còn cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Năng lực tiếp cận, tìm hiểu thị trường chưa cao; chưa tham gia sâu vào hệ thống phân phối hiện đại và chưa xây dựng được kênh phân phối ổn định tại thị trường EU.
CÁC DOANH NGHIỆP RAU QUẢ CẦN LÀM GÌ ĐỂ TẬN DỤNG CÁC CƠ HỘI TỪ EVFTA?
1. Giải pháp tận dụng cơ hội từ EVFTA
EVFTA có nhiều cam kết có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc tăng cường xuất nhập khẩu rau quả với thị trường EU. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ các nội dung liên quan của EVFTA để có thể tận dụng được tối đa các lợi ích của Hiệp định:
- Tìm hiểu cam kết thuế quan của Việt Nam và EU trong Phụ lục 2-A của Chương 2 – Đối xử quốc gia và mở cửa thị trường hàng hóa của Hiệp định. Cần lưu ý là các cam kết trong EVFTA là cam kết tối thiểu của mỗi bên. Trong đó với rất nhiều sản phẩm Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ thuế quan theo lộ trình. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhu cầu của mình trong từng thời kỳ, Việt Nam hoặc EU có thể cắt giảm nhanh hơn so với cam kết trong EVFTA. Do đó, để biết chính xác nhất mức thuế quan EVFTA mà mỗi bên áp dụng đối với một sản phẩm trong một thời điểm nhất định cần căn cứ vào quy định nội địa hiện hành của Bên đó. Ngoài ra, cần lưu ý là trong vòng 2 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực doanh nghiệp vẫn được tiếp tục áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan GSP. Do đó doanh nghiệp vẫn được lựa chọn áp dụng ưu đãi thuế quan EVFTA hay GSP, áp dụng cơ chế nào thì phải đáp ứng được quy tắc và thủ tục xuất xứ của cơ chế đó.
- Tìm hiểu các quy tắc và thủ tục chứng nhận xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA trong Nghị định thư 1 – Quy định hàng hoá có xuất xứ và phương thức hợp tác quản lÝ hành chính. Việt Nam cũng đã nội luật hóa quy định về Quy tắc xuất xứ của EVFTA trong Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/06/2020 quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong EVFTA.
- Tìm hiểu các vấn đề liên quan khác như Phòng vệ thương mại (Chương 3), Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (Chương 4), TBT (Chương 5), SPS (Chương 6), Đầu tư (Chương 8), Sở hữu trí tuệ (Chương 12),…
2. Giải pháp ứng phó với các biện pháp, yêu cầu của thị trường EU
Ngoài các vấn đề về thuế quan và thủ tục xuất xứ, khi xuất khẩu các sản phẩm rau quả sang EU các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần chú ý đáp ứng đầy đủ các quy định nhập khẩu khác, đặc biệt là các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật, ghi nhãn,…
Các quy định nhập khẩu của EU đối với rau quả rất khắt khe, và thay đổi thường xuyên nên doanh nghiệp xuất khẩu phải liên tục cập nhật. Biện pháp trừng phạt nếu bị phát hiện vi phạm lại rất nghiêm khắc, không chỉ khiến doanh nghiệp vi phạm thiệt hại mà còn có thể ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp khác có sản phẩm tương tự.
Do đó, việc tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định nhập khẩu liên quan, thường xuyên cập nhật thông tin về các yêu cầu này và kết nối chặt chẽ với nhà nhập khẩu là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả phải đặc biệt chú trọng.
Ngoài ra, do các nhà nhập khẩu EU thường xuyên có các yêu cầu bổ sung, doanh nghiệp xuất khẩu cần trao đổi cụ thể với nhà nhập khẩu để tìm hiểu các yêu cầu của họ để cân nhắc, tính toán khả năng đáp ứng cũng như chi phí phát sinh, đồng thời lên kế hoạch thực hiện (đặc biệt nếu việc đáp ứng đòi hỏi phải điều chỉnh quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm liên quan). Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể chủ động tìm hiểu các yêu cầu của khách hàng tiềm năng, để có thể chủ động điều chỉnh, qua đó tìm kiếm cơ hội mới.
3. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
Phân tích cho thấy thị trường rau quả EU rất tiềm năng đối với các doanh nghiệp rau quả Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường cũng tồn tại rất nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, do đó để tiếp cận và phát triển bền vững ở thị trường này, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả, đặc biệt là các nhà xuất khẩu mới, cần có chiến lược cạnh tranh hiệu quả cho sản phẩm của mình.
Dưới đây là một số giải pháp gợi Ý để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm rau quả của Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU:
- Nghiên cứu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng: EU bao gồm 27 nước thành viên, người tiêu dùng mỗi nước thành viên có thể có những nhu cầu và thị hiếu khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cần tìm hiểu kỹ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng từng thị trường thành viên EU. Đặc biệt, cần chú ý các thị trường ngách mà ở đó đối thủ cạnh tranh chưa nhiều, doanh nghiệp có thể thâm nhập dễ dàng hơn;
- Chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm: Đây là vấn đề các doanh nghiệp rau quả Việt Nam thường ít chú trọng. Với EVFTA, Việt Nam có 20 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lÝ đương nhiên mà không cần làm các thủ tục xin bảo hộ chỉ dẫn địa lÝ theo quy định của EU. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội hiếm có này để quảng bá thương hiệu các sản phẩm liên quan với người tiêu dùng EU, qua đó nâng cao giá trị và hiệu quả cạnh tranh của các sản phẩm này;
- Áp dụng các quy trình sản xuất rau quả sạch và an toàn: Mặc dù không phải là một quy định nhập khẩu bắt buộc, nhưng tiêu chuẩn GlobalGap đã gần như là một tiêu chuẩn chung cho rau quả nhập khẩu vào EU mà hầu như người mua EU nào cũng sẽ yêu cầu. Vì vậy, để có thể xuất khẩu rau quả sang khu vực thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư áp dụng các tiêu chuẩn GlobalGap cho các vùng trồng để đạt được chứng nhận này. Ngoài ra, các nhà nhập khẩu EU có thể yêu cầu bổ sung các loại chứng nhận khác mà nhà xuất khẩu rau quả Việt Nam cần tìm hiểu để đáp ứng đầy đủ.
- Đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến rau quả: Các sản phẩm rau quả chế biến được đánh giá là có cơ hội lớn nhất từ EVFTA do EU có nhu cầu lớn, thuế quan EU hiện đang áp dụng tương đối cao và EVFTA sẽ giúp xóa bỏ các loại thuế này cho Việt Nam. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến rau quả của Việt Nam còn hạn chế, chủng loại sản phẩm và mẫu mã còn nghèo nàn. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến cần tăng cường đầu tư công nghệ, máy móc thiết bị để nâng cao năng lực cạnh tranh giúp các sản phẩm rau quả chế biến của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU tận dụng EVFTA.
- Chuyển đổi số để chứng minh năng lực sản xuất và truy xuất nguồn gốc thực phẩm: Hiện tại, các sản phẩm nông – thủy sản từ Việt Nam đang xuất khẩu sang EU với số lượng ngày càng nhiều, do đó, việc xác thực uy tín doanh nghiệp và truy xuất nguồn gốc là yếu tố nền tảng quan trọng cho khả năng cạnh tranh, giúp đảm bảo tính minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ.
Theo đó, nhằm hỗ trợ xuất khẩu, tư vấn và chuyển đổi số Doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ Việt Nam, Dự án Xúc tiến Xuất khẩu Thực tế ảo – VVREP đã được xây dựng. Dự án giúp nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của những doanh nghiệp DNNVV, từ đó, giảm bớt được thời gian xác định danh tính và thu thập thông tin của doanh nghiệp, hạn chế nhiều rủi ro trong việc mua bán các mặt hàng xuất khẩu. Xem thêm về Dịch vụ Xác thực năng lực sản xuất với Công nghệ thực tế ảo cho Doanh nghiệp xuất khẩu DNNVV Việt Nam.
Nguồn bài viết: Tổng hợp
EASY EXPORT – CỘNG ĐỒNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU VIỆT NAM Website: https://vietnamexportpromotion.com/
Website: https://easyexport.vn/
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/easyexport.public
Group Telegram: https://t.me/easyexportvn
Group Zalo: https://zalo.me/g/ogorjq056
Hotline: 0813.171.288
Email: [email protected]
Địa chỉ: TT3B-19 KĐTM Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
|