Ông Bùi Trung Thướng- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đã chia sẻ với Báo Công Thương xung quanh nhiệm vụ, đồng thời bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để hoàn thành công tác năm 2024.
Ấn Độ được đánh giá là thị trường tiềm năng của hàng hoá Việt Nam, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại đã triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại ra sao để đưa hàng Việt vào thị trường này, thưa ông?
Ấn Độ đã trở thành nước đông dân nhất thế giới. Suốt 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 6,5-7%/năm đưa Ấn Độ trở thành cường quốc về kinh tế.
Ông Bùi Trung Thướng, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ |
Nhận thức được tiềm năng của thị trường Ấn Độ, thời gian qua Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thực hiện đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại. Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ tự hào là đơn vị đầu tiên tổ chức hoạt động giao thương trực tuyến và đã rất thành công, sau đó xúc tiến thương mại trực tuyến đã trở thành xu hướng toàn cầu trong suốt năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022.Hoạt động xúc tiến thương mại của chúng tôi được tổ chức đa dạng phong phú, bao gồm cả quảng bá hàng hoá trực tuyến, online và mang lại kết quả vô cùng tích cực.
Thực hiện vai trò “sứ giả thương mại” tại thị trường nước ngoài là nhiệm vụ không dễ dàng, từ thực tế hoạt động xin ông chia sẻ Thương vụ tại Ấn Độ đã gặp khó khăn gì và làm thế nào để khắc phục?
Công tác thương vụ rất vất vả, làm việc gần như không có khái niệm thời gian. Đầu tiên là khó khăn về tìm hiểu và chinh phục thị trường mà cán bộ thương vụ chúng tôi đảm nhận. Để chinh phục thị trường không hề dễ, sự khác biệt về văn hoá, khó khăn về ngôn ngữ, ẩm thực…Cùng đó là áp lực từ cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên môn trong nước, nhu cầu phải hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội và áp lực từ chính doanh nghiệp.
Thứ 2 là khó khăn trong kết nối, khi đã khám phá chinh phục được thị trường rồi, câu chuyện kết nối với doanh nghiệp trong nước cũng không phải dễ dàng. Có thời điểm doanh nghiệp rất nhiệt huyết, mong muốn phát triển thị trường nhưng khi gặp khó khăn ban đầu đã giảm nhuệ khí, nhiều khi chúng tôi phải thuyết phục lại doanh nghiệp nhanh chóng chớp cơ hội. Nhưng quyết định cuối cùng vẫn thuộc về doanh nghiệp, bởi cần phải tính toán đến lợi nhuận, chiến lược phát triển, chúng tôi tôn trọng lựa chọn của doanh nghiệp.
Như đã chia sẻ, Ấn Độ là thị trường tiềm năng, ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp để tận dụng tối đa cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu?
Thị trường Ấn Độ rất tiềm năng ở một số điểm. Thứ nhất, quy mô dân số lớn nhất thế giới. Thứ 2, nguồn lực xã hội của Ấn Độ rất lớn hầu hết các nước lớn khác dung lượng phát triển của thị trường đã đến hạn nhưng với Ấn Độ thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp năm 2022 đạt khoảng 2.400 USD. Do vậy, nhu cầu rất lớn, Ấn Độ được nhận định trở thành siêu cường quốc trong thời gian tới.
Cao su – mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam sang thị trường Ấn Độ |
Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, qua thực tế hỗ trợ chúng tôi nhận thấy một số doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược kinh doanh. Đừng nghĩ làm doanh nghiệp là kiếm tiền hãy nghĩ tới làm lớn hơn, rộng hơn là sứ mệnh của những người làm kinh doanh là đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Chiến lược đánh quả hiện không còn phù hợp, bởi nhu cầu hàng hoá hiện không thiếu, vấn đề là lựa chọn và sự khác biệt của sản phẩm. Do vậy, tiếp cận thị trường Ấn Độ hoặc bất kỳ thị trường nào phải doanh nghiệp cần có bước nghiên cứu tỉ mỉ.
Về hỗ trợ doanh nghiệp, thương vụ chúng tôi có thể cung cấp thông tin, cảnh báo những mặt hàng có nhiều nguy cơ; hỗ trợ xác nhận tư cách pháp nhân đối tác nhưng tất cả công việc còn lại doanh nghiệp phải trực tiếp làm. Chỉ có doanh nghiệp mới biết sản phẩm của mình như nào, ai là đối tượng mình cần chinh phục. Đây mới là điều quan trọng và mấu chốt. Trong bối cảnh người tiêu dùng thích sản phẩm khác biệt và phù hợp thì doanh nghiệp phải đáp ứng.
Ấn Độ là cô gái đẹp nhưng không chỉ đẹp với doanh nghiệp Việt Nam mà đẹp với cả doanh nghiệp của nhiều nước khác nên sức cạnh tranh là không hề nhỏ.
Mặt khác, Ấn Độ mặc dù có dân số lớn, thu nhập bình quân đầu người thấp, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng không dễ dàng chút nào. Bởi, về phong tục tập quán hoặc thói quen tiêu dùng của người Ấn Độ có sự khác biệt lớn, doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức chú ý. Cùng đó, thương mại điện tử trong kinh doanh quốc tế hiện có hai mặt, tích cực là có thể tiếp cận nhanh, nhưng ngược lại không biết đối tác là ai, có thật hay không. Đây cũng là điểm cần hết sức thận trọng không chỉ tại Ấn Độ mà ở tất cả các thị trường khác.
Thương vụ Ấn Độ có kế hoạch cụ thể gì để thực hiện nhiệm vụ năm 2024, đồng thời ông có đề xuất với Bộ Công Thương, doanh nghiệp, địa phương để cùng chung tay thực hiện tốt nhất nhiệm vụ này?
Với thị trường Ấn Độ, chúng tôi có định hướng hoạt động trọng tâm trong năm 2024. Công tác xúc tiến thương mại vẫn là nhiệm vụ quan trọng nhất. Ở thị trường này, trong năm 2023 chúng tôi đã thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến cả trực tiếp và trực tuyến, sang năm 2024 tới chúng tôi tiếp tục thực hiện sứ mệnh đó.
Trong triển khai nhiệm vụ, chúng tôi mong muốn Chính phủ, cơ quan bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt qua các mô hình triển khai năm 2023. Ngày 17/11/2023 chúng tôi dẫn 1 đoàn doanh nghiệp lớn của Ấn Độ tham dự sự kiện ở Hải Phòng. Ngoài phiên toàn thể, có riêng một phiên giao thương dành cho doanh nghiệp Ấn Độ và được thực hiện theo hìn thức trực tiếp và trực tuyến. Sau sự kiện chúng tôi nhận được sự phản hồi tốt, với mô hình hiệu quả như vậy chúng tôi mong muốn tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2024.
Về phía doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang thực hiện chương trình giao ban xúc tiến thương mại với thương vụ hàng tháng, đây là chương trình miễn phí nhiều thông tin. Doanh nghiệp có thể không phải đi đâu mà vẫn tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, phong phú, do vậy nên tận dụng và đưa ra câu hỏi cụ thể gửi Ban tổ chức để được giải đáp, hướng dẫn .
Trân trọng cảm ơn ông!