Vị trí địa lý gần gũi, hàng hóa đa dạng và bổ sung cho nhau là những điều kiện giúp thương mại Việt Nam – Trung Quốc có điều kiện tăng trưởng và phát triển.
Thương mại hai chiều tăng mạnh
Theo , thực hiện cam kết trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc, đến nay, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 10/2022 ước đạt 30,27 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 312,82 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tân Thanh là một trong những cửa khẩu chính để xuất khẩu sang Trung Quốc |
Đặc biệt, trong giai đoạn doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do quy định “Zero Covid” từ phía Trung Quốc, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã liên tục vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa Việt Nam tại khu vực cửa khẩu. Đến nay, vấn đề này đã cơ bản được tháo gỡ, tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu đã được khắc phục.
Tính chuyện đường dài
Nhu cầu, sức mua của người dân Trung Quốc đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm đang tăng cao. Vì vậy, Trung Quốc dần trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nước ta, bình quân chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu ra thế giới của nhóm hàng này, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt khoảng 8,9%/năm trong giai đoạn 2015 – 2020.
với đà tăng trưởng của kinh tế và cùng với đó là thu nhập dân cư, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, có gì mua nấy mà đã có sự chọn lọc sản phẩm chất lượng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành bắt buộc phải thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc thì mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.
Theo đó, Bộ Công Thương khuyến cáo, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc phải nằm trong danh mục được Trung Quốc cho phép nhập khẩu, hay nói cách khác là đồng ý mở cửa thị trường. Với từng loại trái cây, Cơ quan kiểm nghiệm kiểm dịch trực thuộc Tổng cục Hải quan. Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá rủi ro về vệ sinh dịch tễ, sau đó mới quyết định cho phép nhập khẩu vào Trung Quốc. Quá trình này đòi hỏi thời gian và sự hợp tác từ phía cơ quan quản lý của nước xuất khẩu (ở nước ta là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Danh mục nông sản được phép nhập khẩu được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố rộng rãi và cập nhật trên website: http://www.customs.gov.cn/.
Đối với hình thức xuất khẩu “tiểu ngạch”, trên thực tế, đây chính là trao đổi hàng hóa giữa cư dân 2 bên biên giới, đa phần được thực hiện tại các chợ biên giới bên phía ta hoặc bên phía Trung Quốc. Do là trao đổi cư dân nên hàng hóa trao đổi, bao gồm cả nông sản, được chính quyền 2 nước cho hưởng những ưu đãi nhất định, ví dụ như miễn giảm thuế hoặc giảm bớt một số thủ tục. Các loại trái cây chưa được Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính thức cũng có thể đưa ra trao đổi theo hình thức “trao đổi cư dân”.
Chính vì những ưu đãi này, doanh nghiệp cả hai bên đã chủ động lựa chọn hình thức “trao đổi cư dân” để giao dịch nhiều chủng loại nông sản, kể cả các sản phẩm đã được phép xuất khẩu vào Trung Quốc theo đường chính thức (“chính ngạch”). Tóm lại, để tận dụng những ưu đãi của chính quyền địa phương phía Trung Quốc đối với xuất khẩu tiểu ngạch, thương nhân Trung Quốc nhiều năm qua đã tích cực “lôi kéo” thương nhân Việt Nam giao dịch qua hình thức xuất khẩu tiểu ngạch. Từ đó, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam hình thành tâm lý coi Trung Quốc là một thị trường “dễ tính”, sản phẩm gì cũng xuất khẩu được, có nhu cầu giá rẻ và không đòi hỏi cao về chất lượng.
Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý nhập khẩu hàng hóa và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao; đồng thời không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, kiểm tra vùng trồng, nhà máy… đối với hàng hóa nói chung, hàng hóa nhập khẩu nói riêng. Trong khi đó, các hộ sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam chưa kịp thay đổi và thích nghi với những điều chỉnh mới của Trung Quốc, chất lượng chưa đồng đều, công tác bảo quản sau thu hoạch còn nhiều bất cập, dẫn đến chưa đáp ứng tốt các quy định của Trung Quốc về điều kiện xuất khẩu, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để cung cấp thông tin chính thống đến với doanh nghiệp có hoạt động giao thương với thị trường này, bên cạnh việc thường xuyên có những khuyến cáo, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn xuất khẩu rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Cuốn Cẩm nang này là một hợp phần trong Đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động xuất khẩu qua biên giới sang hình thức chính ngạch.
Về lâu dài, Bộ Công Thương đề nghị doanh nghiệp cần chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch theo nguyên tắc thương mại quốc tế nhằm đảm bảo xuất nhập khẩu ổn định và bền vững.
Phương Lan – congthuong.vn