Tỉnh Thái Bình sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp tiêu biểu vào sáng 21/9 tới.
Vang danh thương hiệu “Quê hương năm tấn”
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khắp các vùng nông thôn trong tỉnh , nơi nào cũng vang lên câu hát: “Năm tấn thóc để góp phần đánh Mỹ, ruộng đất quê ta không muốn nghỉ lấy một ngày”. Năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của miền Bắc đạt năng suất 5 tấn thóc/ha. Hạt thóc của người Thái Bình lúc ấy được sẻ chia làm ba, bốn phần, vừa để nuôi quân, vừa bảo đảm nhu cầu lương thực tối thiểu cho các lực lượng lao động ở hậu phương.
Những năm tháng chiến tranh, hạt thóc được làm ra từ đồng đất Thái Bình đã “nổi danh” từ hậu phương đến tiền tuyến. Ngày nay, phát huy truyền thống quê hương, những sản phẩm như gạo Japonica, gạo đỏ huyết rồng, gạo nếp cái hoa vàng Thụy Ninh, gạo nếp bể làng Keo, gạo chợ Gốc, rau củ quả các loại được trồng từ đồng đất Thái Bình đã tiếp tục đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, hiện Thái Bình có 64 sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng địa phương (OCOP) được công nhận 3,4 sao. Trong số đó, một số sản phẩm được công nhận mang bản sắc riêng của vùng quê lúa, có thương hiệu trên thị trường cả nước như: Mắm cáy Hồng Tiến, bánh cáy Thiên Đức, cây phát lộc Minh Tân, sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cói Tây An – Tiền Hải và khăn bông Thanh Chất – Hưng Hà đủ điều kiện để đăng ký tham gia sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Nhiều sản phẩm của Thái Bình sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, dán tem OCOP đã đưa vào tiêu thụ ổn định trong các công ty, cửa hàng, siêu thị. Tiêu biểu như sản phẩm trứng vịt biển, thịt vịt biển Đông Xuyên đã đưa vào tiêu thụ tại 26 cửa hàng, siêu thị ở 16 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sản phẩm Bánh cáy Thái Bình đã và đang là sản phẩm được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận |
Bên cạnh đó, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và các Bộ, ngành Trung ương, là cơ quan được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao nhiệm vụ, Sở đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại. Sở cũng tiếp tục củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục như: Tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát triển điểm bán hàng Việt, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành hàng năm. Sở cũng là “cầu nối” để kết nối giữa các doanh nghiệp của tỉnh và doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước như Tập đoàn Central Retain, Masan…, đưa các sản phẩm của tỉnh vào bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, các điểm dừng nghỉ, các bếp ăn tập thể của các tập đoàn sản xuất….
Chính nhờ những nỗ lực này, các mặt hàng nông sản và công nghiệp tiêu biểu của Thái Bình đã xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm và tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, các nước ASEAN như gạo, bún phở khô, bánh đa, trà dược, thủy hải sản, nước mắm, bánh kẹo, khăn tay bông, hàng thủ công mỹ nghệ… góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, duy trì ổn định kinh tế trong bối cảnh đại dịch.
Tháng 8/2022, Sở cũng đã tham mưu tổ chức đoàn cán bộ và 12 doanh nghiệp tỉnh Thái Bình tham gia đoàn kết nối giao dịch thương mại tại Thụy Điển, Na Uy do Bộ Công Thương tổ chức. Đoàn công tác đã khảo sát và trực tiếp làm việc với nhiều kho hàng nhập khẩu, đầu mối phân phối hàng thực phẩm, thuỷ sản, hàng tiêu dùng các loại từ các thị trường châu Á; tìm hiểu cách thức vận hành hoạt động của các kho hàng, nhu cầu hàng hoá của thị trường Thuỵ Điển, Na Uy. Đến nay đã có 2 doanh nghiệp đặt được đại diện thương mại tại khu vực thị trường này, 01 doanh nghiệp nhận được đề nghị báo giá và gửi hàng mẫu từ phía đối tác.
Được biết, hiện Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với các sở, ngành liên quan đề xuất kết nối gần 100 sản phẩm tiêu biểu của tỉnh theo 3 trụ cột là sản phẩm chủ lực, sản phẩm truyền thống và các sản phẩm đặc trưng khác, trong đó có nhóm sản phẩm tiêu biểu như mặt hàng gạo và các sản phẩm gạo, thủy sản, thực phẩm tươi sống, thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo, sản phẩm dệt, đũi…, với 64 sản phẩm OCOP, 25 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Với những chính sách đầu tư hấp dẫn, hiện nhiều doanh lớn như Tập đoàn TH đã đến với Thái Bình và quyết định đầu tư Nhà máy chế biến thực phẩm sạch Thái Bình nhằm tận dụng những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hi vọng rằng, từ những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn và tiềm năng còn rất lớn, Thái Bình sẽ được đón ngày càng nhiều hơn các doanh nghiệp về với “quê hương năm tấn” đầu tư, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông sản, công nghiệp để đồng hành, cùng nhau phát triển.
Nguyễn Cường – Hoàng Long – congthuong.vn