Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO), tổng thương mại của Việt Nam với thế giới đạt 683 tỷ USD trong năm 2023. Như vậy sau năm 2022 đạt kỷ lục và vượt ngưỡng 700 tỷ USD, kết quả kim ngạch năm nay đã giảm 6,5%. Năm 2023, Việt Nam xuất siêu 28 tỷ USD hàng hóa, là mức xuất siêu cao nhất kể từ năm 2013 tới nay.
Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,55 tỷ USD, giảm 0,3%, chiếm 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 259,95 tỷ USD, giảm 5,8%, chiếm 73,1%.
Trong năm 2023, theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 53,01 tỷ USD, xuất siêu đạt kỷ lục thập kỷ với 12,07 tỷ USD, tăng 43,7% so với năm trước. Có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD, bao gồm rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm và gỗ.
Trong tổng số 34 mặt hàng xuất khẩu chính, có 10 mặt hàng tăng trưởng dương về trị giá so với năm trước, mặt hàng có mức tăng cao nhất là rau quả với +65%. Ngược lại, có 24 mặt hàng giảm trị giá so với năm trước, giảm sâu nhất là mặt hàng hóa chất với -19,4%.
Về nhập khẩu, tính chung cả năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 327,5 tỷ USD, giảm 8,9% so với năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 117,29 tỷ USD, giảm 7,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 210,21 tỷ USD, giảm 9,8%.
Trong tổng 37 mặt hàng nhập khẩu chính, có 8 mặt hàng tăng trưởng dương so với năm trước, hạt điều có mức tăng cao nhất với +18,9%. Ngược lại, 29 mặt hàng lại giảm về trị giá, điện thoại và linh kiện giảm sâu nhất với -58,3%.
Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 96,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 111,6 tỷ USD.
Trong năm 2023, Việt Nam xuất siêu hàng hóa sang Mỹ ước đạt 83 tỷ USD, giảm 12,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 29,1 tỷ USD, giảm 7,6%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,6 tỷ USD, tăng 90,3%; nhập siêu từ Trung Quốc 49,9 tỷ USD, giảm 17,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 29,1 tỷ USD, giảm 23,3%; nhập siêu từ ASEAN 8,3 tỷ USD, giảm 37,2%.
Năm 2023, Việt Nam có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch 10 tỷ USD trở lên, đạt 234,4 tỷ USD, chiếm 66% tỷ trọng xuất khẩu.
Máy vi tính, điện tử và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 57,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm trước, đây cũng là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 10 năm qua của mặt hàng này.
Các mặt hàng trong nhóm 10 tỷ USD khác là gỗ và sản phẩm gỗ; dệt may; giày dép; điện thoại và linh kiện và máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng đều ghi nhận giảm về kim ngạch với lần lượt -16,2%, -11,6%, -14,7%, -8,3% và -5,6%.
Năm 2023, có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,4% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, có 4 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD với tổng 153,2 tỷ USD, chiếm 46,8% tỷ trọng nhập khẩu.
Máy vi tính, điện tử và linh kiện tiếp tục cán mốc kim ngạch mới với 88,1 tỷ USD, tương ứng tăng 7,7% so với năm trước.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu máy vi tính, điện tử và linh kiện của Việt Nam năm 2023 đã đạt mốc 145 tỷ USD, là mức cao nhất trong giai đoạn 2013 – 2023.
Năm 2023 là một năm thành công lớn của ngành rau quả của Việt Nam khi mang về trị giá 5,57 tỷ USD, tăng 65% so với năm trước và là mức cao nhất trong 10 năm (giai đoạn 2013 – 2023). Ngoại trừ tháng 1 giảm 22%, các tháng còn lại trong năm 2023 xuất khẩu rau quả đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số về giá trị.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 3,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2023, chiếm tới 65% tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam và cao gấp 2,5 lần so với năm trước.
Là thị trường lớn nhất cho nên sau khi Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có hiệu lực từ tháng 7/2022, mặt hàng sầu riêng của Việt Nam cũng đã mang về kim ngạch tỷ USD ngay trong năm 2023 với 2,25 tỷ USD.
Trao đổi với phóng viên buổi bên lề họp báo về kết quả công tác năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của Bộ NN&PTNT chiều 29/12/2023, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, diện tích sầu riêng của Việt Nam hiện khoảng 112.000 ha với tổng sản lượng 840.000 tấn. Dù vậy, đến hiện tại Việt Nam mới thu hoạch hơn 60.000 ha, còn lại 51.000 ha thiết kế cơ bản, năm 2024 mới bắt đầu thu hoạch.
“Nếu các giải pháp hạ tầng được giải quyết như cửa khẩu thông minh, đường sắt, đường bộ với Trung Quốc và thống nhất kiểm dịch giữa hai nước, cắt giảm thủ tục hành chính, làm rõ mã vùng trồng thì sản lượng rau quả còn tiềm năng tăng trưởng trong năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.
Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 8,33 triệu tấn gạo với kim ngạch 4,8 tỷ USD, là mức cao nhất kể từ năm 1989 đến nay. Sản lượng lúa trung bình của Việt Nam là 43 – 45 triệu tấn/năm, tương ứng 26 – 28 triệu tấn gạo, trong đó khoảng 20 triệu tấn tiêu thụ trong nước, phần còn lại xuất khẩu.
So với năm 2022, lượng và trị giá xuất khẩu gạo tăng lần lượt 17,4% và 39,4%. Mức tăng trưởng này xuất phát từ tình hình thiếu hụt gạo của thế giới thời gian qua đã khiến giá gạo thế giới đẩy lên cao cùng với tăng nhu cầu nhập khẩu gạo Việt từ các nước trên thế giới.
Sau thông báo ngày 20/7 về việc hạn chế xuất khẩu gạo từ Ấn Độ – thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chỉ số giá gạo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc trong tháng 7/2023 đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 – 575 USD/tấn vào ngày 27/7, mức cao nhất kể từ năm 2011. Đến đầu tháng 11/2023, giá gạo tấm 5% của Việt Nam đã đạt 653 USD/tấn, gạo tấm 25% giao dịch ở mức 638 USD/tấn, đều là mức cao nhất trong số các thị trường xuất khẩu gạo lớn của thế giới ở thời điểm đó.
Trong khi đó, do nhu cầu tăng nên Indonesia cũng tăng lượng nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Cụ thể, lượng gạo Indonesia nhập từ Việt Nam tăng từ 4.801 tấn gạo (tháng 3/2023) lên 157.909 tấn gạo vào tháng 4. Bắt đầu từ tháng 6/2023 đến tháng 11/2023 lượng gạo nhập từ Việt Nam đều trên mức 100.000 tấn gạo, tương tự cao gấp từ 9 – 42 lần so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam chỉ đạt 9,01 tỷ USD, giảm 17,5% so với năm trước. Sự sụt giảm về trị giá xuất khẩu ghi nhận trong 10 tháng đầu năm 2023 và bắt đầu phục hồi vào tháng 11, 12 với lần lượt +0,1%, +3,6% so với cùng kỳ.
Chia sẻ với phóng viên bên lề Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Thủy sản ngày 21/12/2023, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT Trần Đình Luân cho biết, năm 2023 ngành thủy sản vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động từ xung đột Nga – Ukraine, nhu cầu thị trường giảm, một số nước có chung sản phẩm thực hiện chương trình gia tăng sản lượng thủy sản. Ngành thủy sản còn phải đối mặt với chi phí logistic cao; Ủy ban Châu Âu (EC) tiếp tục giữ cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác của Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường lớn nhất đều ghi nhận giảm hai con số so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy sản xuất khẩu sang Mỹ giảm 28% về kim ngạch trong 11 tháng đầu năm 2023, còn đạt 1,44 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản cũng chỉ đạt 1,39 tỷ USD, giảm 11,8%; xuất sang Trung Quốc đạt 1,24 tỷ USD, giảm 14,9%.
Theo Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, ước tính cả năm 2023 Việt Nam nhập khẩu 16,8 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tương đương 6,8 tỷ USD (chưa bao gồm nguyên liệu nguồn gốc từ động vật).
Một số nguyên liệu nhập khẩu chính bao gồm ngô hạt đạt 7 triệu tấn (tương đương 2,1 tỷ USD), khô dầu các loại đạt 4,9 triệu tấn (tương đương 2,4 tỷ USD), lúa mì và lúa mạch đạt 1,4 triệu tấn (tương đương 453 triệu USD), DDGS (bã rượu khô) 1,15 triệu tấn (tương đương 394 triệu USD)…