Xuất khẩu hàng nông thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang có những tín hiệu thuận lợi. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nắm bắt tình hình, đáp ứng các yêu cầu của thị trường để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu hàng hóa vào đất nước tỷ dân này.
Xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc qua Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn |
Nhiều thuận lợi, một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tăng
Thông tin từ Tham tán phụ trách thương mại Đại sứ quán Việt Nam, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết, từ tháng 01/2023, Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát Covid-19 bao gồm kiểm tra virus Sars-Cov-2 trên bao bì và hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là đối với hàng thực phẩm đông lạnh và hàng tươi sống. Bên cạnh đó, cơ chế tạo thuận lợi hóa thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu giữa hai nước đang triển khai rất hiệu quả.
Hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản của Việt Nam nói riêng sang Trung Quốc đang có những tín hiệu thuận lợi hơn. Chỉ tính riêng trong tháng 2/2023, xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã tăng khoảng 20,7% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt 15,3 tỷ USD). Một số nhóm mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng như rau quả tăng 5,2%, phi lê cá tra, basa… (nhóm hàng mã HS 0304) tăng 16%…
Nhiều mặt hàng thuộc nhóm rau quả có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam đã được phía Trung Quốc mở cửa thị trường (từ 2022) như sầu riêng, tổ yến, khoai lang. Mới đây, Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt thêm 230 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam, nâng tổng số lên 343 cơ sở được cấp phép. Đây là một động lực lớn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc, bởi sầu riêng là trái cây Việt Nam có giá trị xuất khẩu cao và năng lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc khá tốt với lợi thế về chất lượng, mùa vụ thu hoạch.
Một yếu tố thuận lợi khác cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Trung Quốc, đó là nhu cầu hàng hóa của nước này luôn ở mức cao, đặc biệt là hàng nông, thủy sản, trái cây nhiệt đới. Trong khi đó, hàng hóa Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được nhiều ở khu vực phía Bắc, Đông Bắc và miền Trung nước này. Tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn rất khiêm tốn, mới chỉ chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Trung Quốc hàng năm.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động
Dù xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đang thuận lợi hơn, các doanh nghiệp vẫn cần chủ động nắm bắt tình hình để đẩy mạnh khai thác cơ hội. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc, cần lưu ý ba yếu tố cần thiết sau:
Thứ nhất, thị trường Trung Quốc có mức độ cạnh tranh xuất khẩu cao. Khi hành lang xuất khẩu vào Trung Quốc thông thoáng hơn, doanh nghiệp tại nhiều quốc gia khác cũng đã và đang tăng cường xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng thực phẩm, nông, thủy sản… mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu.
Thứ hai, sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc cơ bản cũng đã được khôi phục hoàn toàn trở lại hậu zezo-covid, do vậy, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, bên cạnh phải cạnh tranh với hàng hóa của nước khác, còn phải cạnh tranh với chính hàng hóa nội địa của Trung Quốc có cùng chủng loại.
Thứ ba, những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý, kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo yêu cầu ngày càng cao. Trong 03 năm thực hiện zero-covid, Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống quản lý hàng hóa nhập khẩu chặt chẽ, linh hoạt ứng phó với các đợt dịch, nên họ cũng sẽ không ngần ngại áp dụng đối với các đợt dịch khác nếu như đánh giá có nguy cơ cao. Bên cạnh đó, mức sống của người dân Trung Quốc cũng đã không ngừng tăng lên, nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu có chất lượng cao cũng tăng theo. Nếu các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và các tiêu chuẩn có liên quan khác, nguy cơ bị đào thải khỏi thị trường Trung Quốc rất cao.
Để đẩy mạnh xuất khẩu vào Trung Quốc hậu zezo – covid, theo ông Nông Đức Lai – Tham tán phụ trách thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, trong bối cảnh Trung Quốc đã mở cửa trở lại, các hoạt động đi lại giữa hai nước không còn rào cản, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường giao thương với các địa phương của Trung Quốc đến nay Việt Nam chưa khai thác được nhiều tiềm năng và dư địa xuất khẩu, chẳng hạn như các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Sơn Đông hay vành đai kinh tế Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc…
Nghiên cứu tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại tại Trung Quốc, đặc biệt là tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tổ chức thường xuyên tại nước này với sự tham dự của nhiều nhà nhập khẩu lớn của Trung Quốc và quốc tế như Hội chợ Xuất nhập khẩu quốc tế Thượng Hải, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) tại Nam Ninh…
Tăng cường tổ chức các hoạt động giao thương trực tiếp tại Việt Nam với Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc và các doanh nghiệp của họ sang khảo sát và tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Việt Nam.
Nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện nghiêm các biện pháp kiểm dịch an toàn thực phẩm, quy cách đóng gói đối với hàng hóa thực phẩm, nông, thủy sản theo quy định của Trung Quốc. Cải tiến chất lượng mẫu mã sản phẩm, thay đổi bao bì cho phù hợp để thu hút thị hiếu người tiêu dùng. Nghiên cứu thị trường bài bản trước khi đưa hàng hóa xâm nhập các khu vực thị trường mới tại Trung Quốc, do mỗi khu vực có những thói quen, nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng khác nhau.
Đối với nhóm hàng rau quả, ông Lai cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu khả năng đầu tư, hoặc hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Trung Quốc để chế biến tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu, bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau quả chế biến những năm gần đây và tiếp theo đang không ngừng tăng tại Trung Quốc.