Doanh nghiệp của Việt Nam cần tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương vào thị trường Hồi giáo.
Nhiều mặt hàng đạt chứng nhận Halal
Các sản phẩm của doanh nghiệp Bến Tre đạt chứng nhận Halal tập trung ở nhiều mặt hàng, như các sản phẩm từ dừa (dầu dừa, kẹo dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô, sữa dừa…), thủy sản (cá tra, nghêu), hàng nông sản (trái cây tươi, trái cây đông lạnh, bắp non, củ sắn, ớt, xoài cát chu, chanh dây, chuối, chôm chôm, mãng cầu xiêm…) và nông sản chế biến (kẹo mãng cầu, cơm dừa nạo sấy, nước mía, khoai mì…).
Giai đoạn 2016-2021, tổng kim ngạch của tỉnh Bến Tre đạt 6,53 tỷ USD và tăng trưởng đều hàng năm. Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển biến theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao; giảm tỷ trọng hàng thô và gia công. Chủ thể xuất khẩu không ngừng tăng lên, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, tỉnh có khoảng 150 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Thị trường ngày càng được mở rộng. Hiện tại, các sản phẩm từ Bến Tre đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu các cơ quan, doanh nghiệp hai bên cần chú trọng đẩy mạnh trong hợp tác xuất khẩu các mặt hàng nông, thuỷ sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các nước Hồi giáo, đồng thời mong muốn được đón nhiều doanh nghiệp các nước Hồi giáo đến thăm và làm việc tại tỉnh Bến Tre. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng như Đại sứ quán các nước Hồi giáo tại Việt Nam tích cực phối hợp trong việc kết nối doanh nghiệp hai bên, tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác không chỉ về thương mại mà cả các lĩnh vực đầu tư, du lịch…
Chuyên gia nhận định các mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam, trong đó có mặt hàng nông sản nhiệt đới, rất được ưa chuộng tại các nước Hồi giáo, do đó cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường trao đổi thông tin giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên, qua đó giúp các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng cũng như các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường các nước Hồi giáo, trong đó có chứng chỉ Halal.
Bên cạnh đó, cần đưa mặt hàng nông thuỷ sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các nước Hồi giáo thông qua các chuỗi siêu thị lớn của địa bàn, giúp đảm bảo sự ổn định về số lượng, giá cả và sự an toàn của các giao dịch.
Theo Diễn đàn Halal thế giới (WHS), giá trị trao đổi thương mại toàn cầu của các quốc gia Hồi giáo có quy mô xấp xỉ 2.000 tỷ USD mỗi năm. Cũng theo đại diện các quốc gia Hồi giáo, doanh nghiệp của Việt Nam cần tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh, sản phẩm đặc trưng của địa phương vào thị trường các quốc gia Hồi giáo, đặc biệt thúc đẩy phát triển hệ sinh thái Halal Việt Nam, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu, hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu. |
Nhật Khôi – congthuong.vn