Ngày 22/9, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã phối hợp với HQST Việt Nam tổ chức Hội thảo Kiểm định chất lượng xuất nhập khẩu ngành dệt may.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Trương Văn Cẩm- Phó Chủ tịch cho biết: Dệt may Việt Nam là ngành có kim ngạch xuất khẩu khá lớn. Năm 2022, mặc dù được dự báo quý cuối cùng của năm sẽ gặp nhiều thách thức từ thị trường song ngành dự kiến vẫn đạt 43-43,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Một đặc điểm nổi trội cũng là điểm yếu của dệt may Việt Nam là phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, trong đó trên 50% nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh vấn đề khó chủ động cho sản xuất, giá trị gia tăng không cao thì chất lượng cũng là vấn đề cần bàn khi phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu và có quá nhiều rủi ro. Điều này đặt ra yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý chất lượng cho doanh nghiệp.
Yêu cầu chất lượng hàng dệt may tại các thị trường nhập khẩu ngày một khó |
Lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng cho rằng: Chất lượng sản phẩm cũng là yếu tố nằm trong mô hình phát triển bền vững của ngành với 3 yếu tố chính: Đáp ứng nhu cầu lao động, cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập và quan hệ lao động hài hoà; chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu, giảm thiểu rủi ro, cắt giảm chi phí, tăng trưởng kinh doanh và có lãi; giảm rác thải, xử lý, tái sử dụng nước, năng lượng tái tạo, tái chế và truy xuất nguồn gốc.
“Trong đó, doanh nghiệp phải có lãi là yếu tố tiên quyết để có thể hướng đến phát triển bền vững”, ông Trương Văn Cẩm nói.
Về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch HĐQT cũng từng bày tỏ: Đầu tư đổi mới theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững đòi hỏi suất đầu tư lớn, chi phí vận hành cũng rất cao. Vì thế các dự án đầu tư theo hướng xanh, nếu tiếp cận theo các chuẩn mực ngân hàng kinh doanh bình thường thì đây là những dự án có tỷ suất thu hồi vốn không cao.
Như vậy, cần có chính sách phù hợp với thực tiễn này, bởi cộng đồng châu Âu đến đầu năm 2023 cũng sẽ có chính sách chung về mặt hàng thời trang; nước Đức cũng đã có chính sách từ 01/01/2023 quản lý chuỗi cung ứng gắn với tiêu chuẩn khắt khe về trách nhiệm thẩm định về môi trường trong chuỗi cung ứng của họ. Tuy là áp dụng doanh nghiệp Đức nhưng ảnh hưởng tới tất cả chuỗi cung ứng khi doanh nghiệp làm xuất khẩu.
Có thế thấy đáp ứng các quy định “xanh”, phát triển xanh là mục tiêu hành động của doanh nghiệp dệt may, ngành cũng đặt ra lộ trình cụ thể. Từ nay đến năm 2030 chuyển dần trọng tâm từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Từ năm 2030-2035 phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu; xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Việt Nga – congthuong.vn