Tại Hội nghị Giao ban Xúc tiến thương mại với Hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 10,nhiều ý kiến được đưa ra nhằm giữ tăng trưởng xuất khẩu bền vững
Đa dạng hoá thị trường
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục (Bộ Công Thương) – cho biết, 10 tháng vừa qua, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế, thương mại nước ta đã tiếp đà phục hồi với nhiều điểm sáng. Nổi bật là kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 616 tỷ USD, tăng 14,1%, xuất siêu 9,4 tỷ USD, riêng tháng 10 xuất siêu 2,27 tỷ USD.
“Những kết quả đạt được cho tới tháng 10 này, ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, tổ chức, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp còn có sự nỗ lực cao độ của hệ thống các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”- ông Vũ Bá Phú đánh giá.
Ông cũng đồng thời cho biết, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi đầy đủ và tăng trưởng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến sẽ chậm lại, chúng ta cần chủ động các biện pháp ứng phó với sự biến động của thị trường thông qua việc thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin thị trường, điều chỉnh kế hoạch nhằm tận dụng các cơ hội thị trường mới và tránh được các rủi ro, đặc biệt là các ảnh hưởng tác động từ sự điều chỉnh chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước.
“Thời gian tới để duy trì tăng trưởng của nền kinh tế, nhất là xuất nhập khẩu và vượt lên những biến động trên thị trường thế giới thì hoạt động xúc tiến thương mại cần tăng cường, nhất là với các thị trường mới, thị trường ngách với những mặt hàng mới, phù hợp với năng lực sản xuất của Việt Nam”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị doanh nghiệp cẩn trọng với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu |
Thông tin thêm về tình hình điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới và tại Việt Nam, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) – chia sẻ, hiện nay có 224 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến Việt Nam, trong đó chống bán phá giá là 124 vụ; chống trợ cấp là 23 vụ; tự vệ 45 vụ; chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại là 32 vụ.
Các sản phẩm xuất khẩu bị điều tra: Thép, sản phẩm thép, sợi, sản phẩm nhựa, sản phẩm cao su, vật liệu xây dựng, đồ gỗ, ống đồng, tôm, cá tra, mật ong,… Các thị trường: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Canada, EU, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mexico, …
Trước các tác động của hội nhập, cùng với chính sách bảo hộ của một số thị trường, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự báo sẽ gia tăng, ông Chu Thắng Trung cho rằng, vai trò của Thương vụ trong việc xử lý các vụ phòng vệ thương mại đó là thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cảnh báo các mặt hàng xuất khẩu, khả năng về việc điều tra phòng vệ thương mại; kết nối chuyển tải ý kiến từ Chính phủ Việt Nam và hỗ trợ doanh nghiệp trong trường hợp cần liên hệ, bày tỏ ý kiến trực tiếp với cơ quan điều tra; kết nối doanh nghiệp Việt Nam với ngành sản xuất của nước khởi kiện…
Ngoài ra, ông Chu Thắng Trung cũng khuyến nghị, các doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu thực tiễn các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng đã xuất khẩu để chuẩn bị một phương án kế hoạch tốt nhất khi gặp tình huống tương tự.
Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội (Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Liên bang Nga, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam); các cơ quan địa phương (gồm Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang) và doanh nghiệp (Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Incentra) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Việt Nga- Hoàng Lan – congthuong.vn