[EASY EXPORT – BÁO MỚI]
Trong khối EU, Hà Lan đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Đức và là một trong
những ‘cửa ngõ’ để hàng Việt xuất khẩu sang thị trường EU. Đây sẽ là điều kiện vô cùng thuận lợi cho sản phẩm ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) của HTX và doanh nghiệp Việt nếu các đơn vị này tìm ra điểm yếu và khắc phục nó.Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/08/2020 đã đem lại cơ hội rộng mở cho sản phẩm F&B của Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hà Lan.
Nhu cầu lớn nhưng xuất khẩu hạn chế
Trong một buổi chia sẻ về cơ hội xuất khẩu sản phẩm F&B Việt Nam vào Hà Lan mới đây, ông Niel Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC, cho biết dù tình hình thế giới đang rơi vào lạm phát nhưng xét trên bình diện chung, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm, đồ uống của người dân Hà Lan không những không giảm mà còn tăng lên vì lạm phát ở nước này cơ bản đã được kiềm chế, tình trạng thiếu dầu không xảy ra.
Thống kê từ các trung tâm, cửa hàng, khách sạn… ở Hà Lan cũng cho thấy, các ngày lễ lớn từ nay đến cuối năm đều đã đã được book chỗ kín. Mới đây, nhà nước Hà Lan cũng đã quyết định nâng 10% các mức lương cơ bản, càng tạo điều kiện cho người dân chi tiêu, mua sắm. Đây là điều kiện thuận lợi để các HTX, doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm, đồ uống thực hiện xuất khẩu, quảng bá sản phẩm.
Theo khảo sát, gần 50% người dân Hà Lan có nhu cầu sử dụng các sản phẩm nước trái cây hàng ngày. Còn cà phê là đồ uống được người dân nước này sử dụng ít chỉ sau nước lấy ở trong vòi, sau đó là đến các loại đồ uống như trà và các loại nước khoáng không gas. Đây đều là những mặt hàng tiềm năng ở Việt Nam.
Chế biến sâu và xuất khẩu trực tiếp sẽ nâng cao giá trị quả vải thiều của HTX và giải quyết được vấn đề mùa vụ trong xuất khẩu.
Thực tế, nhu cầu của thị trường này về các sản phẩm ngành F&B là không nhỏ nhưng để chinh phục được và đứng vững ở Hà Lan là chuyện không hề dễ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các HTX. Bởi dù sản phẩm trái cây và một số nông sản khác đã qua sơ chế, chế biến và được xuất khẩu sang Hà Lan, nhưng đến hiện nay các sản phẩm này đều không có thương hiệu.
Điều này là do, HTX, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trung gian dẫn đến việc không được trực tiếp nghe những phản hồi của người tiêu dùng bản địa nên khó có thể hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh.
Theo ông Niel Nguyễn, chỉ cần gõ cụm từ nước trái cây trên một sàn điện tử ở Hà Lan sẽ cho ra 557 kết quả sản phẩm. Nhưng người tìm kiếm tìm mãi vẫn không thấy bất kỳ sản phẩm, thương hiệu nào của Việt Nam (có thể ruột bên trong là nguyên liệu của Việt Nam).
Hay Việt Nam là nước đứng đầu về xuất khẩu cà phê trên thế giới nhưng tìm kiếm trên 1 sản điện tử lớn ở Hà Lan cũng không thấy có thương hiệu nào, kể cả những thương hiệu đình đám ở Việt Nam.
“Trong khi, giá mỗi sản phẩm của mặt hàng F&B ở Hà Lan không hề rẻ. Nếu các HTX, doanh nghiệp không tận dụng được thế mạnh về nguyên liệu và đầu tư cho chế biến sâu thì không biết đến bao giờ HTX, doanh nghiệp mới phát triển và thâm nhập được thị trường này”, ông Niel Nguyễn nói.
Tính chuyện đường dài
Chinh phục được thị trường Hà Lan sẽ giúp các HTX, doanh nghiệp chinh phục được nhiều thị trường châu Âu bởi Hà Lan là cửa ngõ để đưa hàng vào các nước này. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, cần nhìn nhận rõ thực tại trong quá trình xuất khẩu hiện nay để có hướng đi và đúng, trúng.
Dù nhiều mặt hàng Việt Nam xuất sang Hà Lan chiếm số lượng lớn như hồ tiêu, cà phê, trái cây nhưng thực tế, sản phẩm vẫn chủ yếu ở dạng thô. Bên cạnh đó, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu mang tính mùa vụ nên không giữ chân được doanh nghiệp nước này.
Ông Linh Nguyễn, chuyên gia Thương mại Điện tử B2B, CEO Easy Export dẫn chứng, ngay sản phẩm vải thiều của một số HTX đã xuất khẩu sang Hà Lan nhưng số lượng không nhiều, sản phẩm không đa dạng. Sản phẩm tươi lại mang tính mùa vụ nên doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm cách lấp chỗ trống bằng các sản phẩm khác.
Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, HTX phải hiểu rằng thế mạnh hiện nay của mình có sản lượng nhiều, giá thành thấp (là do chưa chế biến sâu). Tuy nhiên, điểm yếu của các HTX là sau một quá trình xuất khẩu lại bị quay về lối mòn với tư duy ngắn hạn là xuất khẩu vì số lượng.
Trong khi Hà Lan nói riêng và các nước châu Âu nói chung có yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm khi nhập khẩu. Có một thực tế là khi HTX đáp ứng đủ các điều kiện nhập vào sẽ dễ dàng trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp nước này vì đây là đặc tính của người châu Âu. Vậy nên, các doanh nghiệp ở châu Âu khi làm ăn tốt, bảo đảm uy tín có thể tồn tại hàng trăm năm.
Điều quan trọng là HTX cần phải xây dựng được niềm tin cho đối tác bằng kế hoạch dài hạn. Dẫn chứng là đầu năm nay đã có một số container gỗ nén của Việt Nam đã bị trả về. Sự việc này khiến doanh nghiệp nước ngoài nhanh chóng tìm mối hàng khác lấp vào.
Ngoài ra, vấn đề cần được khắc phục và cũng là điểm yếu của các HTX và doanh nghiệp nhỏ đó chính là lựa chọn hình thức xuất khẩu gián tiếp.
Thống kê cho thấy, thông thường sản phẩm xuất đến Hà Lan theo cách gián tiếp sẽ mất khoảng 1 năm và khiến sản phẩm tăng giá lên ít nhất 200%, tức là giá trị thực của sản phẩm không đến tay người tiêu dùng. HTX dù xuất khẩu nhưng không biết doanh nghiệp nhập đưa sản phẩm của mình đi đầu, thậm chí không biết sản phẩm sẽ được chế biến lại hay tiếp tục bán lại cho doanh nghiệp khác.
Vì vậy, HTX cần thay đổi cách xuất khẩu sang trực tiếp để kiểm soát được thị trường và gia tăng giá trị thương hiệu. Thay vì xuất cho công ty nhập khẩu, HTX làm việc trực tiếp với các đơn vị phân phối tại nước nhập và sẽ tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, thông qua đường hàng không hoặc biển, cách xuất khẩu trực tiếp chỉ khiến HTX mất 2-10 ngày là sản phẩm sẽ có mặt ở Hà Lan hoặc một số nước EU. Và chỉ mất khoảng 3-6 tháng để HTX tạo ấn tượng trên thị trường.
“Như vậy tổng thể là HTX giảm 50% thời gian và tạo hiệu ứng cao vì có tình huống doanh nghiệp nước ngoài cần số lượng hàng mẫu nhỏ để thử thì sẽ dễ và nhanh hơn so với xuất gián tiếp. Và lợi nhuận sẽ là tối ưu nhất cho nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ”, ông Niel Nguyễn chia sẻ.
Bên cạnh đó, một vấn đề đáng lưu ý là người Hà Lan và người châu Âu không ưa ngọt nên các sản phẩm F&B cũng cần hạn chế đường. Mới đây, Hà Lan cũng đã có quy định, từ năm 2023 trở đi, những sản phẩm đồ uống bị xếp vào danh mục làm người tiêu dùng béo lên sẽ hạn chế bán ở thị trường này bằng cách tăng thuế. Vì vậy, HTX và doanh nghiệp cần sản xuất những sản phẩm tốt cho sức khỏe hoặc sản phẩm đó phải có tính độc đáo.
Huyền Trang
EASY EXPORT – CỘNG ĐỒNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU VIỆT NAM
Website: https://vietnamexportpromotion.com/
Website: https://easyexport.vn/
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/easyexport.public
Group Telegram: https://t.me/easyexportvn
Group Zalo: https://zalo.me/g/ogorjq056
Hotline: 0813.171.288
Email: [email protected]
Địa chỉ: TT3B-19 KĐTM Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
|