Doanh nghiệp đang lên kế hoạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang hàng loạt thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao và mang lại giá trị lớn.
Gạo Việt được ưa chuộng
Sau khi đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo ST25 đã và đang ngày càng được thị trường thế giới ưa chuộng. Theo thông tin từ Tập đoàn Tân Long, trong kế hoạch dài hạn, gạo ST25 và ST25 lúa – tôm mang nhãn hiệu A An sẽ được đơn vị này đưa vào thị trường châu Âu, sau khi gạo Việt Nam vừa ghi được dấu ấn khi ngày 2/9 vừa qua, món cơm chiên tại Văn phòng Nội các Nhật Bản đã được sử dụng nguyên liệu là gạo ST25 mang thương hiệu A-An của Tập đoàn Tân Long của Việt Nam đã được đón nhận.
Trước đó, ngày 30/6, tại Tokyo, dưới sự chứng kiến của Đại sứ quán Nhật Bản, Tập đoàn Tân Long, Ngân hàng Kiraboshi (đơn vị kết nối doanh nghiệp), đơn vị nhập khẩu Sun-Tommy và đơn vị phân phối Spice House đã tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm gạo A An.
Gạo A An ra mắt thị trường Nhật Bản |
Trước đó, Tập đoàn Tân Long (chủ sở hữu thương hiệu gạo A An) đã xuất khẩu thành công lô hàng gạo ST25 mang thương hiệu A An vào Nhật, sau khi vượt qua quy trình kiểm nghiệm vô cùng khắt khe đối với hơn 450 chỉ tiêu. Đây cũng là lần đầu tiên một thương hiệu gạo nội địa được xuất khẩu thành công vào thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản.
Để thực hiện mục tiêu dài hạn đó, Tân Long đang tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa với nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Cùng với ST25 của Tập đoàn Tân Long, gạo Ông Cua ST25 cũng tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường thế giới khi ngày 8-9 vừa qua, Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và EUTEK Group đã ký kết phân phối độc quyền gạo Ông Cua ST25 tại thị trường Anh (UK). Đây là minh chứng cho việc khẳng định chất lượng và vị thế gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.
Theo ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh EUTEK Group, sau khi nhập lô hàng gạo Ông Cua ST25 đầu tiên vào thị trường UK, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng người châu Á tại xứ sở sương mù. Đây là minh chứng cho thấy chất lượng và sự ưa chuộng của thị trường với sản phẩm gạo ngon nhất thế giới. Do đó, sắp tới, chiến lược phát triển của EUTEK Group là tập trung quảng bá để phân phối các sản phẩm gạo và đặc sản từ Việt Nam tại thị trường Anh.
Không chỉ tại Anh mà tại thị trường Pháp, đầu tháng 9 vừa qua, sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu “Cơm Vietnam” của Tập đoàn Lộc Trời cũng vừa được quảng bá tại tại đại siêu thị Carrefour Ormesson và E.Leclerc Viry Chatillon.
Sau sự kiện, sẽ có khoảng 860 tấn gạo Jasmin sẽ được bán trên toàn hệ thống của E.Leclers cho phân khúc vừa. Trong thời gian tới, E.Leclerc dự kiến sẽ nhập gạo chất lượng cao hơn để phục vụ phân khúc cao trong tuần hàng Việt Nam vào tháng 11 và dịp Tết Nguyên đán.
Việc gạo Việt Nam liên tục đón tin vui thời gian vừa qua đã góp thêm thành tích cho hoạt động của Việt Nam. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, lũy kế đến trung tuần tháng 8, xuất khẩu gạo đạt trên 2,3 tỷ USD, tăng 18,1% về lượng và tăng 8,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thời gian vừa qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, việc thị trường các thị trường cao cấp như Anh, EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản tăng nhập khẩu gạo Việt Nam, giá lúa gạo tại các thị trường này mà tăng, thì chắc chắn giá gạo xuất khẩu của chúng ta có nhiều thuận lợi. Khi đó, xuất khẩu gạo không những đạt được những thành tích mà ngành lúa gạo cũng cần nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng, chất lượng, xây dựng thương hiệu.
Cơ hội mới cho gạo Việt
Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu () có hiệu lực, EU đã dành cho Việt Nam một lượng hạn ngạch 80.000 tấn/năm, trong đó, có 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU tự do hoá hoàn toàn đối với gạo tấm của Việt Nam. Đây là cơ hội cho gạo Việt Nam tại thị trường EU – một thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, mới đây, Ấn Độ, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, vừa quyết định áp thuế đối với một số loại gạo xuất khẩu để đảm bảo nguồn cung trong nước do sản lượng giảm. Động thái này được dự báo có thể gây xáo trộn thị trường lương thực toàn cầu và làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát lương thực.
Theo thông báo của Bộ Tài chính Ấn Độ ngày 8/9, gạo chưa xát vỏ xuất khẩu của nước này sẽ bị áp thuế 20%. Gạo xát một phần hoặc xát toàn bộ, trừ gạo đồ (parboiled rice) và gạo Basmati, cũng bị áp mức thuế xuất khẩu tương tự. New Delhi cũng cấm xuất khẩu gạo tấm 100% – mặt hàng mà một số nước nghèo ở châu Phi nhập khẩu để làm thức ăn dù loại gạo này chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi. Quy định mới bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9/9.
Với thuế mới, gạo xuất khẩu của Ấn Độ sẽ kém cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và khách hàng sẽ chuyển sang các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam
Trong khi đó, Việt Nam hoàn toàn có đủ sản lượng thóc để đảm bảo xuất khẩu gạo từ 6,5 – 6,7 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2 – 3,3 tỷ USD
Đáng chú ý, việc các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Anh – Việt (UKVFTA), EVFTA, có hiệu lực sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại nhanh chóng giữa Việt Nam các thị trường nói chung và thương mại gạo nói riêng. Gạo Việt Nam khi được chấp nhận vào các thị trường khó tính, cộng thêm các chính sách giảm thuế từ các FTA sẽ giúp hạt gạo Việt Nam nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh.
Bảo Ngọc – congthuong.vn