Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương vừa triển khai tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể tỉnh Bình Thuận.
Tỉnh Bình Thuận: Đề xuất mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch cho thanh long Thanh long Bình Thuận được xuất khẩu đến các thị trường nào? |
Là tỉnh duyên hải cực Nam Trung Bộ, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Bình Thuận có 151.300 ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó có trên 50.000 ha đất lúa.
Bình Thuận là tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp với khí hậu khô hanh quanh năm, chính bởi vậy mà trái thanh long có được một hương vị rất riêng so với các vùng miền khác.
Thanh long Bình Thuận được ưa chuộng không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế và hiện nay chiếm đến 90% sản lượng thanh long xuất khẩu của cả nước, được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP.
“Khoá tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho kinh tế tập thể và hợp tác xã” tại Bình Thuận |
Với phương thức “học đi đôi với hành”, học kết hợp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, tìm hiểu thông tin sản phẩm, kế hoạch sản xuất, thông tin mùa vụ, sản lượng thu hoạch, chất lượng, khung giá bán, bảng phân loại sản phẩm và thời điểm thu hoạch… đã được các đại diện doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã hưởng ứng.
Đặc biệt, tại khoá huấn luyện, các học viên được thực hành kỹ năng Livestream bán sản phẩm của mình, giảng viên của nền tảng xã hội TikTok Việt Nam trực tiếp hướng dẫn.
Nội dung khóa tập huấn được thiết kế bài bản và khoa học, tập trung vào từng chủ đề cụ thể: Hướng dẫn và hỗ trợ học viên tự triển khai các hoạt động bán hàng trên nền tảng số từ khâu chuẩn bị, tạo tài khoản, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng; cách chụp ảnh, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm; cách thức gói bọc, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm và truyền đạt thông tin về sản phẩm với khách hàng thông qua hoạt động Livestream.
Qua đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Bình Thuận sẽ từng bước xây dựng hình ảnh, phát triển thương hiệu sản phẩm tiềm năng của mình, tổ chức sản xuất, cung ứng các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Từ đó, nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam, giúp gia tăng cơ hội kết nối giao thương thành công, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa.
Bảo Thoa – congthuong.vn