Chi tiết xem thêm tại: easyexport.vn
Tọa đàm: Chuyển đổi xanh cho mục tiêu thúc đẩy thương mại ASEAN & EU
Hà Nội, ngày 30 tháng 8 năm 2024 – Sáng nay, tại Hoàng Thành Thăng Long, nằm trong khuôn khổ ngày hội “Sắc màu ASEAN” chương trình tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi xanh cho mục tiêu thúc đẩy thương mại ASEAN & EU” đã diễn ra thành công với sự tham gia của nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và phát triển bền vững.
Chương trình được điều phối bởi ông Nguyễn Ngọc Linh, Người sáng lập Cộng đồng Xúc tiến Xuất khẩu Việt Nam Easy Export, với sự góp mặt của các diễn giả uy tín:
Bà Trần Như Trang – Trưởng đại diện Chương trình xúc tiến nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO) tại Việt Nam.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng – Vụ thị trường Âu – Mỹ, Bộ Công Thương, Chuyên gia Chuyển Đổi Xanh.
Ông Trần Tuấn Minh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam – ASEAN, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TTM Việt Nam.
Và các chuyên gia từ ASEAN và quốc tế là khách mời danh dự của chương trình, bao gồm:
Ông Ramlan Osman, Người Malaysia, Giám đốc Trung tâm chứng nhận Halal Quốc gia (HALCERT)
Ông Thaddeus A. Hostetler, Nguyên Chuyên viên phân tích cấp cao, Hội đồng Thương mại Hoa Kỳ – Việt Nam
Ông Edwin Setiawan Tjie, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Indonesia tại TPHCM (tham gia qua nền tảng trực tuyến)
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã thảo luận về tầm quan trọng của phát triển bền vững và các tiêu chí ESG (Environmental, Social, Governance) trong bối cảnh hiện nay. Các quy định như CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) và EUDR (Quy định về lâm sản của EU) đã được nhấn mạnh như những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu vào thị trường EU khi CBAM đã được kích hoạt từ tháng 10 năm 2023 và từ 30/12/2025 EUDR cũng chính thức được đưa vào áp dụng.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, việc tuân thủ các tiêu chuẩn xanh không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường. Đặc biệt, thị trường Châu Âu đang ngày càng yêu cầu cao về tính bền vững của sản phẩm, điều này tạo ra áp lực nhưng cũng là động lực cho doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh xanh.
Ông Trần Tuấn Minh đã nhấn mạnh: “CBAM sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ ngay lập tức đến 4 lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam đang xuất khẩu là: sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, sau đó, cộng với sự tác động từ EUDR các lĩnh vực như nông sản, thủy sản, lâm sản, dệt may và các sản phẩm công nghiệp … cũng sẽ chịu sức ép từ việc đánh thuế carbon của Châu Âu.” “Doanh nghiệp cần chủ động thích ứng để không chỉ tồn tại mà còn phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.” – Ông Minh kết luận.
Ông Đinh Sỹ Minh Lăng đã chia sẻ những quan điểm quan trọng về việc kiểm kê khí nhà kính đối với doanh nghiệp Việt Nam. Ông nhấn mạnh rằng việc kiểm kê này không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là một phần quan trọng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của CBAM và EUDR. Ông cũng đề xuất các biện pháp cụ thể mà doanh nghiệp cần thực hiện để giảm thiểu phát thải khí nhà kính, như tối ưu hóa quy trình sản xuất và áp dụng công nghệ xanh. Cuối cùng, ông khuyến nghị các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng hoặc các tổ chức, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực mới này để đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi xanh một cách hiệu quả.
Bà Trần Như Trang cũng chia sẻ về những hỗ trợ mà SIPPO đang cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn xanh của EU, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng chuỗi cung ứng xanh trong khu vực ASEAN. Bà đưa ra lời khuyên dành cho doanh nghiệp cần tham gia các chương trình đào tạo của chính phủ và các tổ chức quốc tế để nắm vững các yêu cầu về chuyển đổi và tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như SIPPO để thúc đẩy chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp.
Sự tương tác và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế trực tiếp trong chương trình và thông qua nền tảng trực tuyến đã làm phong phú thêm nội dung thảo luận, giúp doanh nghiệp Việt Nam có cái nhìn toàn diện hơn về những yêu cầu và giải pháp trong quá trình chuyển đổi xanh. Đây là một hình thức tương tác hiệu quả, mang lại nhiều giá trị bổ ích cho cộng đồng doanh nghiệp.
Buổi tọa đàm đã khép lại với những lời khuyên thiết thực từ các chuyên gia, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam chủ động trong việc chuyển đổi xanh, không chỉ để đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.