Ngày 19/9, đã diễn ra Hội thảo “Xu hướng toàn cầu và Việt Nam: Quan điểm từ chiến lược xuất khẩu quốc gia” tại Hà Nội.
Hội thảo “Xu hướng toàn cầu và Việt Nam: Quan điểm từ chiến lược xuất khẩu quốc gia” đã được Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) kết hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức ngày 19/9, nhằm thảo luận và lấy ý kiến tham vấn về các nội dung chiến lược các ngành và lĩnh vực ưu tiên.
Kinh tế xanh – động lực cho chiến lược xuất khẩu của Việt Nam
Theo , trong thời kỳ 2011 – 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020. Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 ở vị trí thứ 22. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu năm 2020 Việt Nam đã vươn lên vị trí 19 thế giới so với vị trí 33 của năm 2011 và từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.
Có thể nói, sau 10 năm thực thi Chiến lược hàng hoá giai đoạn 2011 – 2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này dù tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý. Nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.
Đại diện Bộ Công Thương, các chuyên gia thảo luận về các vấn đề xoay quanh việc nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới |
Trước bối cảnh hiện nay, chuyển đổi số là một yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các quốc gia. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội để đẩy nhanh việc chuyển đổi số, phát huy những ưu việt của kinh tế hiện đại. Thảo luận về vai trò của chuyển đổi số đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ: “Tất cả các nền kinh tế muốn hội nhập vào thế giới không thể thiếu chuyển đổi số, tuy nhiên đây không phải việc đơn giản mà đòi hỏi sự cố gắng từ cả hai phía Chính phủ và doanh nghiệp”.
Nhấn mạnh yếu tố thị trường là động lực cho phát triển, ông Nguyễn Văn Nam khuyến nghị Chính phủ cần tạo ra thị trường cho kinh tế số phát triển và thông qua cạnh tranh để tạo ra các doanh nghiệp vững mạnh, làm ăn tốt và từ đó thúc đẩy sản xuất phát triển. Đồng thời, lưu ý các doanh nghiệp phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm và nhu cầu thị trường đồng thời tập trung đầu tư cho các yếu tố như mạng thông tin, phần mềm, thiết bị… nhằm tạo ra động lực cho phát triển cũng như đẩy mạnh đào tạo nhân lực kỹ thuật số (cả về ngoại ngữ và tin học) để nắm bắt được xu thế phát triển của thế giới.
Theo bà Sibylle Bachmann – Phó Trưởng Ban hợp tác của SECO, người tiêu dùng thế giới có xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh hơn và bền vững hơn, do vậy doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng việc này để tập trung sản xuất các sản phẩm xanh, ít tạo ra phát thải cacbon. Từ kinh nghiệm quốc tế trong việc phát triển tài chính xanh, trái phiếu xanh… Bà Sibylle Bachmann lưu ý, các doanh nghiệp Việt cần hướng tới xu hướng toàn cầu cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cũng đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam trong việc xác định các ngành ưu tiên dựa trên tiềm năng xuất khẩu và đóng góp đối với việc làm và phát triển kinh tế – xã hội, đó là các ngành điện tử, hàng hóa môi trường, gỗ và đồ nội thất; thương mại nông sản và dệt may. Ngoài ra, năm lĩnh vực cạnh tranh thương mại là chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chất lượng, tiêu chuẩn và chứng nhận; tính bền vững và bao trùm và tạo thuận lợi thương mại. Những lĩnh vực này sẽ đóng góp quan trọng cho việc phát triển chuỗi giá trị và phát triển xuất khẩu đồng thời có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế.
Trang Anh – Bùi Hùng – congthuong.vn