Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói mà phía cơ quan Hải quan Trung Quốc cấp cho Việt Nam. Có thấp không, thưa ông?
Với danh sách 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói, đây là một sự đánh giá thực chất từ phía cơ quan Hải quan Trung Quốc. Phía Việt Nam có những sự kỳ vọng nhiều hơn, do vậy, trong thời gian tới về góc độ cơ quan chuyên môn và các doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa trong việc thực hiện những khuyến cáo, khuyến nghị của cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) |
Tuy nhiên, việc giữ được thị trường này đòi hỏi sự nỗ lực nhiều hơn nữa. Muốn như vậy, chúng ta cần tiếp tục tuân thủ đầy đủ các quy định trong Nghị định thư, cũng như ý thức của doanh nghiệp, cơ quan chuyên môn của địa phương, chủ sở hữu các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Các chủ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cần luôn luôn ghi nhớ đây là mã số vùng trồng của mình, cơ sở đóng gói của mình, quyền sở hữu của mình và cần có trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Làm sao để duy trì được mã số cùng trồng đó, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật theo Nghị định thư mà chúng ta đã ký kết. Không phải chỉ một mùa vụ mà nhiều mùa vụ. Có như vậy chúng ta mới có thể duy trì được thị trường và mở rộng được thị phần tại thị trường xuất khẩu tỷ USD này.
Một số doanh nghiệp kiến nghị việc cấp mã số vùng trồng cần được đi trước một bước để đáp ứng được thị trường nội địa rồi mới tính đến bài toán xuất khẩu, ông nhận định gì về ý kiến này?
Đây là ý kiến hoàn toàn đúng bởi chúng ta đã có luật quy định rõ ràng, hơn nữa việc xây dựng mã số vùng trồng không phân biệt cho nội tiêu hay cho xuất khẩu mà xây dựng mã số vùng trồng để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để phục vụ nội tiêu trước rồi mới hướng tới xuất khẩu. Vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật và các cục liên quan của Bộ sẽ thực hiện một cách bài bản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, việc chúng ta kiểm tra, đánh giá và cấp mã số cùng trồng là phải theo yêu cầu của các nước nhập khẩu và mỗi một nước nhập khẩu có một quy định khác nhau. Cũng là mã số vùng trồng đó, nhưng khi hàng hóa đó vào các thị trường khác nhau thì các đối tượng sinh vật gây hại cũng được quan tâm khác nhau, mức dư lượng cũng khác nhau, hồ sơ nhật ký cũng khác nhau. Việc này thay đổi liên tục và chúng ta cần phải tùy thuộc vào thị trường, khác với việc chúng ta đánh giá cấp mã số vùng trồng trong nội địa.
Tuy nhiên, muốn gì thì chúng ta cũng cần đảm bảo rằng các mã số vùng trồng được cấp một cách đồng bộ không chỉ phục vụ cho nội tiêu mà còn phục vụ cho thị trường xuất khẩu và không có sự phân biệt giữa hai thị trường này.
Hiện nay, việc cấp mã số vùng trồng mới chủ yếu cho cây ăn quả, chưa có nhiều sản phẩm được cấp đối với lúa, chè, cà phê, ông có thể chia sẻ thêm về việc này?
Điều này là chưa chính xác, thực tế ngoài mã số cấp cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, thì hiện nay lúa cũng đã được cấp mã số vùng trồng ở Kiên Giang, An Giang,… với hơn 400 mã số. Diện tích trồng lúa được cấp sẽ thuận tiện hơn vì 1 mã số có thể cấp được cho vài trăm ha.
Bên cạnh đó, một loạt các loại cây gia vị xuất khẩu sang buộc phải cấp mã số vùng trồng. Việc này còn phải thực hiện trước đối với các loại trái cây.
Từng địa phương đã có những kế hoạch rất cụ thể và đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật để tập huấn, cùng phối hợp với cơ quan chuyên môn địa phương để tiến hành kiểm tra, đánh giá, cấp mã số cho các cây trồng đặc trưng, chủ lực của địa phương.
Đến nay, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, có 12 loại nông sản khác nhau đã được cấp mã số vùng trồng.
Xin cám ơn ông!
Hiện có 51 mã số vùng trồng và 25 cơ sở đóng gói sầu riêng tại 13 tỉnh được cơ quan Hải quan Trung Quốc phê duyệt. 5 tỉnh chưa có mã số vùng trồng sầu riêng được phê duyệt gồm: An Giang, Gia Lai, Đắk Nông, Vĩnh Long, Sóc Trăng. 7 tỉnh có đơn vị xin thôi (hoãn/hủy) kiểm tra: Bình Phước (22), Tiền Giang, Đắk Lắk (3), Đồng Nai (2), Bến Tre, Lâm Đồng, Gia Lai (1). |
Nguyễn Hạnh – congthuong.vn