Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc, các doanh nghiệp xuất khẩu đang nỗ lực xoay xở tìm hướng đi mới.
Doanh nghiệp xuất khẩu linh hoạt vượt khó Dồn lực gỡ khó cho xuất khẩu thủy sản |
Đơn hàng sụt giảm mạnh
Dù đã bước vào giữa quý II, mùa cao điểm đặt hàng của nhiều ngành như đồ gỗ, dệt may, da giày thị trường xuất khẩu vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Đơn hàng khan hiếm khiến nhiều doanh nghiệp phải gồng mình xoay xở. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, thị trường xuất khẩu hàng dệt may hiện rất trầm lắng, có thể nói là ảm đạm khi nhu cầu tiêu dùng tại EU đang giảm sâu, thị trường Mỹ chưa có tín hiệu phục hồi.
Trong khi đó, các thị trường khác ở khu vực châu Á cũng giảm dần khi lạm phát, suy thoái lan rộng. Trong quý I, doanh thu xuất khẩu của doanh nghiệp giảm trung bình hơn 20% so với năm 2022. Sang quý II, tình hình đơn hàng vẫn chưa được cải thiện.
Trước đây, doanh nghiệp cho ra mắt các bộ sưu tập thời trang theo kế hoạch và sản xuất đơn hàng theo mùa và thì nay phải “xoay” đơn hàng cho từng tháng, có đơn tới đâu làm tới đó. Thậm chí, không có đơn đặt hàng.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đang tìm hướng tái cấu trúc thị trường và khách hàng |
Mục tiêu lớn nhất của các doanh nghiệp trong nửa đầu năm 2023 là duy trì được hoạt động sản xuất của nhà máy ở mức huề vốn để giữ được càng nhiều lao động càng tốt. Bà Đỗ Thị Kim Loan cho biết, ngay khi thị trường Mỹ chững lại, lãnh đạo công ty Sao Nam đã tìm cách chuyển hướng sang tìm khách hàng ở các thị trường khác như Australia, Canada…để bù đắp phần nào lượng sụt giảm từ thị trường chính.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng chú trọng đến việc tái cấu trúc lại nhà máy, đầu tư thêm từ 30% – 35% vốn để trang bị các máy móc, thiết bị hiện đại hơn nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao độ chính xác cũng như tính thẩm mỹ cho sản phẩm.
Việc xoay sở, tái cấu trúc thị trường, đơn hàng cũng là hướng đi của các doanh nghiệp ngành dệt may. Ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, dù các thị trường mới, thị trường ngách chưa thể bù đắp cho phần sụt giảm tại các thị trường chính, song đây là cách để doanh nghiệp có thể trụ lại. “Không chỉ chấp nhận làm các đơn hàng nhỏ, lẻ trong thời gian ngắn, doanh nghiệp còn phải tái cấu trúc lại sản xuất, đánh giá thị trường, quyết định các kế hoạch sản xuất ngắn hạn theo tháng thay vì theo quý, năm như trước đây”, ông Phạm Văn Việt nhấn mạnh.
Để tiếp cận được nhiều khách hàng nhất, Việt Thắng Jean đã sử dụng các ứng dụng trực tuyến, thương mại điện tử để trao đổi, gửi mẫu tới khách hàng, giảm số lượng mẫu phải sản xuất thực tế vừa tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, khách hàng cũng dễ dàng đánh giá và điều chỉnh mẫu hơn trước. Đội ngũ marketing của công ty cũng phải nhạy bén hơn trong việc nghiên cứu, nắm bắt các xu hướng thời trang thế giới để đưa vào sản phẩm ứng dụng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Hà Duyên – congthuong.vn