Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp Sở Công Thương Ninh Bình tổ chức tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử”.
Để giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn nâng cao nhận thức, kỹ năng để đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã phương một sản phẩm (OCOP) lên sàn thương mại điện tử, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử – (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội nghị tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử”.
Trong 5 năm (2018-2022), số lượng sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ngày càng gia tăng. Ninh Bình đang đẩy mạnh liên kết, quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP nhằm đưa sản phẩm chất lượng, an toàn đến với người tiêu dùng; đưa sản phẩm OCOP ra “sân chơi” lớn.
Hiện nay, các sản phẩm OCOP tiêu biểu do người dân Ninh Bình sản xuất bao gồm: Cơm cháy, ngô nếp tươi sấy (Công ty Cổ phần Sinh hóa Ninh Bình), Trà hoa cúc (Hợp tác xã Riti) đã tham gia gian hàng Việt trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử trong nước như: Sendo, Tiki, Lazada… Chương trình OCOP đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng việc ra mắt nhiều sản phẩm OCOP mang đậm nét đặc trưng của những vùng, miền, địa phương tỉnh Ninh Bình.
Phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử là nội dung nhận được sự quan tâm, tương tác của rất các học viên tham dự tập huấn |
Chia sẻ về tiềm năng thương mại điện tử của Việt Nam, bà Đoàn Ngọc Lan, Trung tâm Phát triển thương mại điện tử cho biết, quy mô kinh tế số Việt Nam đang trên đà tăng trưởng cao và có thể đạt mốc 50 tỷ USD vào năm 2025 (Theo Báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temasek và Bain & Company). Trong đó, thương mại điện tử Việt Nam là trụ cột chính của nền kinh tế số với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm trong mấy năm gần đây và đạt 16,4 tỷ USD năm 2022 (Sách trắng thương mại điện tử năm 2022 của Bộ Công Thương).
Để thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, bà Lan lưu ý, các doanh nghiệp cần xác định rõ ưu, nhược điểm khi tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, bà Đoàn Ngọc Lan nhấn mạnh, thương mại điện tử giúp khắc phục khoảng cách về địa lý; tiếp cận lượng khách hàng lớn; tiết kiệm chi phí; cung cấp thông tin so sánh giá; tạo nhiều chương trình Marketing; chăm sóc khách hàng… Bên cạnh đó, kinh doanh trên không gian mạng cũng gặp phải những vấn đề như cạnh tranh khốc liệt, rủi ro khi khách hoàn trả hàng, niềm tin của khách hàng và vấn đề bảo mật thông tin…
Phát triển thương hiệu và kinh doanh hiệu quả trên sàn thương mại điện tử là một nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm, tương tác của rất nhiều học viên tham dự tập huấn. Vì vậy, trong phần thực hành về thiết lập tài khoản và kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng ở Việt Nam (như Shoppe, Lazada, Tiki…), mạng xã hội (Facebook, zalo…), bà Đoàn Ngọc Lan đã có những chia sẻ và hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp thực hành các bước: Lựa chọn sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP có thể bán trên thương mại điện tử, cách tạo shop (set up gian hàng), cách đăng sản phẩm tối ưu SEO…
Hội nghị tập huấn “Đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử” đã góp phần giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nâng cao nhận thức, kỹ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử, từ đó, góp phần đưa các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của Ninh Bình mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Ngân Thương – congthuong.vn