Tháng 1/2023 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 139.355 tấn, trị giá gần 57,06 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc sụt giảm mạnh.
10 tháng đầu năm, nhập khẩu phân bón đạt 2,77 triệu tấn, trị giá trên 1,3 tỷ USD. 8 tháng đầu năm 2022, phân bón nhập khẩu giảm lượng, tăng giá |
Nhập khẩu phân bón tháng 1/2023 sụt giảm mạnh so với cùng kỳ
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2023 cả nước nhập khẩu 139.355 tấn phân bón, tương đương 57,06 triệu USD. Giá trung bình 409,4USD/tấn, giảm mạnh 52% về lượng, giảm 63,2% kim ngạch và giảm 23,4% về giá so với tháng 12/2022. So với cùng kỳ tháng 1/2022 cũng giảm cả lượng, kim ngạch và giá, với mức giảm tương ứng 56,8%, 62,9% và 14%.
Bên trong Nhà máy Đạm Phú Mỹ. Ảnh minh họa |
Trong tháng 1/2023, từ thị trường chủ đạo Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh 44% về lượng, giảm 59,4% kim ngạch, và giảm 27,4% về giá so với tháng 12/2022, đạt 70.265 tấn, tương đương 25,81 triệu USD, giá 367,4 USD/tấn; so với tháng 1/2022 thì giảm 48,9% về lượng, giảm 55,2% kim ngạch và giảm 12,3% về giá.
Đứng thứ hai là thị trường Lào, tháng 1/2023 giảm mạnh 31% về lượng, giảm 35,3% về kim ngạch và giảm 6,2% về giá so với tháng 12/2022, đạt 10.614 tấn, tương đương trên 4,81 triệu USD, giá 453,3 USD/tấn; so với tháng 1/2022 thì tăng 25,2% về lượng, tăng 11,6% kim ngạch nhưng giảm 10,9% về giá.
Với thị trường Malaysia, tháng 1/2023 đạt 8.598 tấn, tương đương 4,28 triệu USD, giá 498 USD/tấn, tăng mạnh 69,5% về lượng, tăng 7,6% kim ngạch nhưng giảm mạnh 36,5% về giá so với tháng 1/2022, chiếm 6,2% trong tổng lượng và chiếm 7,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Phân bón nhập khẩu từ thị trường FTA RCEP tháng 1/2023 đạt 109.363 tấn, tương đương 39,08 triệu USD, giảm 42,9% về lượng, giảm 49,7% kim ngạch so với tháng 1/2022, chiếm 78,5% trong tổng lượng và chiếm 68,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhập khẩu phân bón từ thị trường FTA CPTTP tháng 1/2023 đạt 19.023 tấn, tương đương 5,27 triệu USD, giảm 40,7% về lượng, giảm 11,8% kim ngạch so với tháng 1/2022, chiếm 13,7% trong tổng lượng và chiếm 9,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Nhìn chung, trong tháng 1/2023 nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường sụt giảm so với tháng 1/2022.
Giá phân bón thế giới dự đoán vẫn phức tạp
Ở một diễn biến khác, các các chuyên cho rằng, trên toàn thế giới năm nay vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù hiện tại, giá phân bón có hạ nhiệt so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng nhìn chung, với sự lệ thuộc vào giá khí đốt, giá xăng và giá dầu, trong bối cảnh diễn biến phức tạp như hiện nay thì giá phân bón vẫn phụ thuộc vào cung và cầu thế giới.
Hiện giá khí đốt tự nhiên ở liên minh châu Âu (EU) vẫn là động lực chính của giá nitơ toàn cầu do khí tự nhiên vẫn là nguyên liệu thô chính để tạo ra nitơ amoniac. Ước tính, liên minh châu Âu chiếm khoảng 9% tổng công suất sản xuất amoniac của thế giới (khoảng 22 triệu tấn) và sản lượng hiện tại là khoảng 16 triệu tấn.
Đại diện Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAEA) cho biết, từ lâu EU vẫn là nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn từ Nga, nhưng do Nga đã cắt giảm đáng kể nguồn cung cho khối này để trả đũa các biện pháp trừng phạt áp đặt sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, đã làm tăng đáng kể giá quốc tế.
Xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng đường ống sang liên minh châu Âu và Vương quốc Anh đã giảm khoảng 40% trong 7 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, điều kiện khí hậu ôn hòa gần đây đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm và các chính phủ thuộc lục địa già đã cho phép các công ty điện lực lấp đầy các khoảng trống lưu trữ khí đốt tự nhiên, để hạ giá nhiên liệu sưởi ấm, đồng thời cung cấp một vùng đệm chống lại việc giảm nguồn cung cấp khí đốt qua đường ống.
Như theo dự báo của Reuters, ngay cả khi phần còn lại của mùa đông lạnh hơn bình thường, thì khu vực này vẫn có đủ khí đốt tự nhiên dự trữ để ngăn chặn sự cạn kiệt. Câu hỏi lớn là liệu liên minh châu Âu có thể bổ sung kho dự trữ cho mùa sưởi ấm 2023-2024 hay không, nếu không nhận được bất kỳ nguồn khí đốt tự nhiên nào từ Nga.
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nitơ ở Mỹ dự kiến sẽ tăng trở lại khoảng 3% do diện tích cây trồng dự kiến sẽ tăng và tỷ lệ sử dụng phân bón được phục hồi. Nhiều chương trình khuyến khích sản xuất được ban hành, ví dụ như vào tháng 9/2022, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã trao 500 triệu USD tài trợ thông qua Chương trình Mở rộng sản xuất phân bón để tăng năng lực sản xuất phân bón trong nước. Ngoài ra, bất chấp hoạt động sản xuất nitơ của châu Âu bị sụt giảm, nhưng nhiều nhà sản xuất phân bón ở các khu vực khác trên thế giới cũng đang tăng sản lượng.
Dự đoán về triển vọng thị trường phân bón trong năm 2023, các chuyên gia vẫn kỳ vọng một tương lai “sáng sủa” hơn cho ngành phân bón với việc giá mặt hàng này không tăng đột biến như năm 2022. Thời điểm những tháng đầu năm 2022 giá phân bón tăng vọt trên toàn cầu, nhất là mặt hàng ure. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng bày tỏ việc không lạc quan rằng giá sẽ giảm xuống mức như trước năm 2021 do diễn biến về
nguồn cung nguyên liệu đã khác trước rất nhiều.
Nguyễn Duyên – congthuong.vn