Mây, đan, tre, cói và thảm là một trong những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, được ông cha ta giữ gìn và phát huy đến tận ngày nay. Các sản phẩm không chỉ ngày càng đa dạng mẫu mã, kiểu dáng mà còn gia tăng về mặt giá trị, góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân. Không dừng lại ở đó, với mong muốn quảng bá các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam đến bạn bè thế giới thì nay, các sản phẩm mây, đan, tre, cói và thảm được nhiều người tiêu dùng quốc tế đón nhận.
Trong 5 năm trở lại gần đây, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng mây, đan, tre, cói và thảm có sự tăng trưởng mạnh qua mỗi năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt hơn 878 triệu USD, gấp hơn 2 lần so với kim ngạch xuất khẩu năm 2018 với hơn 347 triệu USD và tăng 43,8% so với năm 2020. Đây cũng là con số cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.
Có thể thấy, trong giai đoạn căng thẳng của đại dịch Covid-19 thì mặt hàng mây, đan, tre, cói và thảm vẫn tăng trưởng mạnh. Chính nhờ vào các Hiệp định thương mại tự do mà mặt hàng mây, đan, tre, cói và thảm có thể chiếm lợi thế và gia tăng xuất khẩu sang các thị trường như EU, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 818 triệu USD, sụt giảm 6,8% so với năm trước đó. Do bối cảnh thị trường thế giới năm 2022 có nhiều biến động làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ hàng hóa ở các nước. Giá dầu tăng cao khiến cho chi phí vận chuyển quốc tế tăng theo, rồi vấn đề lạm phát tại các thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam như: Mỹ, EU… khiến cho sức tiêu thụ sản phẩm giảm so với năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu theo các tháng từ năm 2018 – 2022
Nhìn vào biểu đồ dưới đây, ta thấy rằng các tháng trong 2 năm (2019 – 2020) có sự biến động lớn về tình hình xuất khẩu. Qúy 2 năm 2019 có sự phục hồi mạnh mẽ. Sau đó, sụt giảm khá mạnh vào quý 3 và tình hình xuất khẩu tăng trở lại vào quý 4.
Năm 2020, tình hình xuất khẩu lại tăng trưởng ngược lại so với năm 2019. Kể từ sự giảm sút vào tháng 4 năm 2020, mặt hàng mây, đan, tre, cói và thảm lấy lại đà tăng trưởng liên tục trong các tháng còn lại bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Nhìn chung, vào tháng 2 thì bức tranh xuất khẩu có sự giảm sút do tháng 2 trùng với dịp Tết Nguyên Đán nên một số các nước châu Á nói chung, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam nói riêng. Dịp nghỉ lễ Tết của Trung Quốc và Việt Nam thường kéo dài từ 7-10 ngày và tinh thần “xả hơi” sau tết sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động.
Từ tháng 3, hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường thì các hoạt động xuất nhập khẩu được đẩy mạnh. Trong khi đó, các nước cũng đẩy mạnh nhập hàng hóa bắt đầu từ tháng 3 để chuẩn bị hàng bán cho mùa hè tới.
Đến tháng 9, xuất nhập khẩu thường có sự sụt giảm, bởi các nhà nhập khẩu đã nhập đủ hàng từ các tháng trước. Và từ tháng 10, xuất khẩu sẽ tăng trưởng trở lại. Do các nước Mỹ, EU gia tăng nhập khẩu để chuẩn bị cho dịp lễ tết lớn nhất trong năm – Noel, Lễ tạ ơn.
Việt Nam hiện đứng thứ 2, chỉ sau Trung Quốc về xuất khẩu mây, tre, đan nhiều nhất thế giới, với tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2018 – 2022 tăng hơn 26%/năm, tăng gần gấp 3 lần giai đoạn 2016 – 2020 với 9,1%/năm.
Về thị trường, Nhật Bản đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm mây, đan, tre, cói và thảm Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 đạt gần 352 triệu USD. Sau đó, Mỹ đứng vị trí thứ 2 với hơn 318 triệu USD.
Theo nhiều chuyên gia, Mỹ và EU là 2 thị trường rất tiềm năng cho sản phẩm mây, đan, tre, cói và thảm Việt Nam. Bởi văn hóa tiêu dùng của hai nước này hướng đến tiêu dùng “xanh”, tập trung vào các sản phẩm thân thiện môi trường và thiên nhiên. Cho nên sản phẩm mây, đan, tre, cói và thảm được ngày càng được nhiều người biết đến và tiêu dùng.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ có thể là rào cản lớn đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt nói chung và mặt hàng mây, đan, tre, cói và thảm nói riêng. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có chiến lược đúng đắn, đa dạng mẫu mã và tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì được các thị trường lớn của chúng ta, đồng thời tận dụng hiệu quả các FTA để chinh phục thêm các thị trường mới.
EASY EXPORT – CỘNG ĐỒNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU VIỆT NAM Website: https://easyexport.vn/
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/easyexport.public
Group Zalo: https://zalo.me/g/ogorjq056
Hotline: 0813.171.288
Email: [email protected]
Địa chỉ: TT3B-19 KĐTM Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
|