ĐIỂM DANH NHỮNG MẶT HÀNG “VÀNG” TRONG CÂU LẠC BỘ XUẤT KHẨU “CHỤC TỶ USD” CỦA VIỆT NAM NĂM 2022
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan về tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam thì nước ta có 8 mặt hàng có tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 trên 10 tỷ USD. Cụ thể bao gồm: Điện thoại các loại và linh kiện; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; Hàng dệt, may; Giày dép các loại; Gỗ và sản phẩm gỗ; Phương tiện vận tải và phụ tùng; Hàng thủy sản.
Cùng số lượng với năm 2021 nhưng 1 mặt hàng đã bị thay thế trong CLB chục tỷ USD năm 2022. Nếu năm 2021, sắt thép các loại vinh dự được lọt vào CLB này với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 11,8 tỷ USD thì năm 2022, hàng thủy sản đã vươn lên mạnh mẽ với gần 11 tỷ USD để đưa mình vào CLB này. Sắt thép các loại có sự sụt giảm mạnh, đạt gần 8 tỷ USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm trước do những biến động ở thị trường trong và ngoài nước.
Điện thoại và các loại linh kiện
Một mặt hàng đã quá quen thuộc trong danh sách này chính là Điện thoại và các linh kiện với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là mức tăng thấp nhất trong 8 mặt hàng này. Điều này là do xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh trong năm qua.
Về thị trường, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam về mặt hàng này với hơn 16,2 tỷ USD. Tiếp sau là thị trường Mỹ với hơn 11,8 tỷ USD và xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt hơn 5 tỷ USD.
Với việc mở các khu công nghiệp lớn tại Việt Nam, SamSung (Hàn Quốc) góp phần rất lớn giúp Việt Nam đạt được kết quả xuất khẩu cao về mặt hàng Điện thoại và linh kiện. Nhưng đáng buồn thay, Việt Nam đang phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ngoại tệ đem về cho đất nước không cao so với kim ngạch xuất khẩu.
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện
Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là một quân bài chủ lực trong xuất khẩu Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022 đạt hơn 55,5 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021.
Với hơn 15,9 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam về máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Tiếp sau là Trung Quốc với gần 11.9 tỷ USD. Tập đoàn Samsung vẫn là doanh nghiệp FDI đóng góp lớn nhất cho xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác
Với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 45,751 tỷ USD, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đứng vị trí thứ 3 trong danh sách câu lạc bộ xuất khẩu “chục tỷ” của Việt Nam. Năm 2022, Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ tiếp tục giữ vị trí số 1 về thị trường xuất khẩu của Việt Nam với hơn 20 tỷ USD, chiếm 44,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp sau là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản. Để đạt được kết quả này, phải kể đến công lao to lớn của các doanh nghiệp FDI như Honda, Toyota
Hàng dệt may
9 tháng đầu năm 2022, hàng dệt may đạt có những dấu hiệu tích cực khi kim ngạch đạt khoảng 35 tỷ USD, trung bình mỗi tháng đạt khoảng 3,7 tỷ USD. Nhưng tốc độ tăng trưởng lại chững lại và đi xuống trong những tháng cuối năm do vấn đề lạm phát, tồn hàng tăng cao ở các thị trường lớn.
Mỹ vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều mặt hàng và hàng dệt may không phải ngoại lệ, chiếm 46,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Giày dép các loại
Các mặt hàng giày dép mang về kim ngạch xuất khẩu gần 24 tỷ USD, tăng 34,6% so với năm 2021. Đây cũng là mức tăng trưởng lớn nhất trong danh sách này.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 9,6 tỷ USD. Với các thị trường có hiệp định tự do thương mại (FTA) với Việt Nam như EVFTA, CPTPP và UKVFTA, tiếp tục phản ánh sự phục hồi tích cực sau đại dịch Covid-19. Còn khu vực ASEAN vẫn tiếp tục giảm nhẹ (-1,7%), trong đó xuất sang Thái Lan giảm mạnh nhất 27%, Indonesia giảm 8,9%.
Gỗ và sản phẩm gỗ
Năm qua, gỗ và sản phẩm từ gỗ trở thành mặt hàng “hot” của Việt Nam. Chiến sự Nga-Ukraine xảy ra khiến cho nguồn cung khí đốt trở nên khan hiếm. Các nước có mùa đông lạnh giá kéo dài như Mỹ, các nước châu Âu… phải nhanh chóng tìm kiếm nguồn cung khác thay thế. Và mặt hàng viên nén gỗ Việt Nam là một trong những nguồn cung thay thế vô cùng hấp dẫn.
Tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt hơn 16 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước. Mỹ đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu, đạt 8,66 tỷ USD, chiếm đến 54,1%. Tuy nhiên, năm 2022 xuất khẩu mặt hàng này lại giảm so với năm 2021 (đạt hơn 8.7 tỷ USD) do vấn đề lạm phát, lãi suất…
Phương tiện vận tải và phụ tùng
Với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 12 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm trước thì mặt hàng Phương tiện vận tải phụ tùng vẫn vững tâm trong câu lạc bộ xuất khẩu chục tỷ của Việt Nam. Về thị trường, xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 2,586 tỷ USD, chiếm 21,6%. Theo sát là Nhật Bản với 2,533 tỷ USD.
Hàng thủy sản
Lần đầu tiên trong lịch sử, hàng thủy sản được lọt trong câu lạc bộ xuất khẩu “chục tỷ” này. Xuất khẩu hàng thủy sản năm 2022 đạt được con số kỷ lục gần 11 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2021 (đạt hơn 8,8 tỷ USD).
Với việc khai thác hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do FTA, tận dụng tốt cơ hội thị trường – thay thế Nga trong việc cung cấp thịt trắng cho các thị trường Mỹ, EU… thì hàng thủy sản đã vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều khó khăn.
Các thị trường lớn của thủy sản Việt Nam đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang Mỹ tăng 119,7%, xuất khẩu sang EU sang 76%… Nhu cầu tôm ở các thị trường chính đều cao cùng với giá xuất khẩu trung bình tăng là những yếu tố giúp kim ngạch xuất khẩu tôm vượt xa năm trước.
EASY EXPORT – CỘNG ĐỒNG XÚC TIẾN XUẤT KHẨU VIỆT NAM Website: https://vietnamexportpromotion.com/
Website: https://easyexport.vn/
Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/easyexport.public
Group Telegram: https://t.me/easyexportvn
Group Zalo: https://zalo.me/g/ogorjq056
Hotline: 0813.171.288
Email: [email protected]
Địa chỉ: TT3B-19 KĐTM Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội
|